Phim truyền hình Việt ''đuối'' khi kéo dài

18/07/2021 12:06

Kịch bản "Cây táo nở hoa" bị chê khi kéo dài từ 20 lên 70 tập so với bản gốc của Hàn Quốc.

Cây táo nở hoa hiện chiếu đến tập 45, sụt giảm lượng người xem. Trên Youtube, tập có lượt xem cao gần đây là 3,7 triệu, thấp hơn nhiều so với tập đầu (7,1 triệu). Trên các diễn đàn, mạng xã hội bàn luận về phim, nhiều người cho biết ngừng xem vì quá mệt mỏi bởi loạt bi kịch lặp đi, lặp lại. Một số khán giả nói tua nhanh để hiểu nội dung, thay vì kiên nhẫn xem diễn biến.

Trước đó, nhiều phim rơi vào tình trạng sụt giảm người xem khi kéo dài thời lượng. Gạo nếp gạo tẻ dài 109 tập, trong khi kịch bản gốc Hàn Quốc chỉ có 50 tập. Trong quá trình phát sóng, lượt xem của phim trên Youtube giảm mạnh khoảng 20 tập cuối, với khoảng 4-7 triệu lượt mỗi tập, trong khi phần đầu dao động 7-10 triệu, có khi lên tới hơn 13 triệu. Hướng dương ngược nắng phần đầu thu hút hơn 11,8 triệu lượt xem trên app của nhà đài, nhưng ở phần sau với 10 tập kéo dài thêm, lượt người xem còn khoảng 7 triệu.

Thời lượng kéo dài còn khiến kịch bản phim "đuối" dần. Thay vì giải quyết các vấn đề, sáu tập gần nhất của Cây táo nở hoa nối dài bi kịch các nhân vật với loạt tình tiết tương tự phần đầu. Đó là chuyện Ngọc trả nợ cho Ngà, lôi Báu ở bên ngoài về nhà để giáo huấn, những bữa ăn chung trở thành cuộc cãi vã về việc anh trai coi thường, đối xử phân biệt hay người mẹ nói dối, tìm mọi cách để lấy tiền của con...

Khán giả Anh Tuấn bình luận: "Các tập đầu xem rất thích, nhưng càng về sau càng chán. Đạo diễn kéo dài thời lượng so với bản gốc bằng cách xây dựng loạt tình tiết bi kịch nhưng không có sự sáng tạo mà cứ lặp đi lặp lại. Điều này khiến khán giả ức chế, mệt mỏi. Đạo diễn cô đọng phim khoảng 40 tập sẽ rất hợp lý". Tác phẩm được Việt hóa từ What’s wrong Poong Sang từng gây tiếng vang của Hàn Quốc. Chuyện phim trong phiên bản Hàn được xử lý ngắn gọn, chặt chẽ hơn trong 20 tập, mỗi tập 60 phút.

Câu chuyện trong Vua bánh mì bị cho là thiếu logic, xa rời thông điệp chính của phim. Thay vì xoay quanh việc làm bánh, truyền nghề như bản gốc, phim sa đà vào loạt tình tiết gây sốc như: đấu đá trong gia tộc, tình tay ba, đánh ghen...

Việc kéo dài tình tiết còn khiến người xem ức chê vì câu chuyện rối rắm và nhân vật có tâm lý không rõ ràng. Ở 20 tập cuối Hướng dương ngược nắng, nhiều khán giả bình luận tính cách nhân vật Trí, Diễm Loan khó hiểu. Trí trở mặt, đòi cắt đứt mọi quan hệ với Minh - chị gái luôn lo lắng cho cậu. Diễm Loan làm nhiều chuyện sai trái nhưng vẫn luôn nghĩ mình đúng. Chặng cuối phim Gạo nếp gạo tẻ bị chê quá lê thê khi nhân vật Kiệt xoay vòng trong mối quan hệ tình cảm, lúc hướng về Hân, khi quay về Phúc mà không có lý do cụ thể. Tình tiết Hương và Tường bị tai nạn ôtô khiến câu chuyện thêm trúc trắc, không cần thiết.

Theo Võ Thạch Thảo - đạo diễn Cây táo nở hoa, Gạo nếp gạo tẻ, những tác phẩm Việt hóa từ phim Hàn Quốc cần thêm thắt tình tiết, nhân vật cho phù hợp văn hóa, cuộc sống trong nước. Chị dẫn chứng tình tiết nhân vật Ngọc về thăm quê, được người chú tốt bụng chia tiền đền bù đất đai, vốn không có trong bản gốc, được chị đưa vào nhằm nhen nhóm tình thương, nguồn hy vọng cho anh sống tiếp. Tương tự, nhân vật Thu được biên kịch vẽ nên giúp Ngà cảm nhận được tình yêu để thay đổi. Còn Phương Điền - đạo diễn Vua bánh mì - cho biết êkíp tìm tòi những nhân vật điển hình cùng nghề làm bánh ở Việt Nam để xây dựng tình tiết phù hợp. "Tôi chỉ mua chuyện phim của họ chứ không mua văn hóa, diễn xuất của diễn viên", anh nói.

Một số trường hợp nhà sản xuất tăng thời lượng nhằm mục đích kinh tế. Theo Gardenmedia, trung bình mỗi tập phát sóng, nhà đài thu về từ 500 triệu đến hơn một tỷ đồng quảng cáo.

Đạo diễn Khải Hưng nhận định việc kéo dài thời lượng đúng xu hướng làm phim truyền hình. Tuy nhiên, điều quan trọng là đội ngũ biên kịch, đạo diễn phải xây dựng kịch bản logic, hấp dẫn để giữ chân khán giả. Ông nói: "Phim truyền hình là phim dài tập nên việc tăng thời lượng không sai, nhà sản xuất có thể nghe ngóng phản ứng của khán giả để điều chỉnh nội dung trong thời gian chiếu".

Trái ngược thực trạng của Việt Nam, kịch bản gốc ở Hàn Quốc thành công với thời lượng vừa đủ, kịch bản cô đọng, hấp dẫn. Phim truyền hình chiếu ở khung giờ vàng thường dao động từ 16 đến 30 tập. What’s wrong Poong Sang của đài KBS khởi đầu với mức rating 5,9% - thấp so với các phim của đài truyền hình trung ương. Tuy nhiên, tỷ lệ người xem tăng dần qua từng tập và đạt mức cao nhất là 22,8% ở tập cuối. Tương tự, Vua bánh mì mở màn với rating 15,7% và kết thúc với mức 50,8%.


Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim truyền hình Việt ''đuối'' khi kéo dài