Chuyện Trung Quốc làm hàng giả, hàng nhái…chẳng còn làm ai ngạc nhiên nhưng gần đây các diễn đàn mạng Trung Quốc đang mạnh mẽ phản đối chuyện phim Trung Quốc cũng đạo!
Chuyện là cư dân mạng phẫn nộ khi phát hiện bộ phim truyền hình cổ trang 66 tập Phù Dao, phát trên đài truyền hình vệ tinh Chiết Giang và mạng Tencent từ 18-6 trắng trợn đạo nhiều tình tiết của Harry Potter và chiếc cốc lửa.
Phù Dao được giới thiệu là chuyển thể từ bộ truyện nổi tiếng Phù Dao Hoàng hậu của Thiên Hạ Quy Nguyên, với nữ chính là "tiểu hoa" đình đám Dương Mịch nên được chú ý từ khi còn là dự án.
Tuy nhiên sau khi lên sóng thì rating của Phù Dao chỉ dậm chân ở hàng thứ tư, cho dù diễn xuất của Ảnh đế Nguyễn Kinh Thiên được khen ngợi.
Không ít khán giả chê diễn xuất của nữ chính là gượng gạo, thiếu cảm xúc, kỹ xảo của phim kém, dựng cẩu thả, nhiều tình tiết bị thay đổi so với nguyên tác… tệ hơn cả là cư dân mạng phát hiện chỉ nội trong tập 6 đã có hàng chục chi tiết giống hệt như trong Harry Potter và chiếc cốc lửa.
Tới nỗi các fans của Dương Mịch cũng chỉ có thể chống chế là do có sự "trùng hợp về ý tưởng".
Trên Douban, diễn đàn đánh giá phim ảnh uy tín nhất Trung Quốc, điểm của Phù Dao từ 4,9/10 trong những tập đầu, đến tập 19 đã tụt xuống 4,6 với 42,2 % khán giả chấm 1 sao.
Theo cách tính của Douban thì nếu điểm của một phim điện ảnh hay truyền hình mà dưới 5 thì bị xếp vào loại "phim rác".
Ngoài những lời mỉa mai ê kíp Phù Dao đã rất can đảm khi đạo nhái một phim nổi tiếng quốc tế "Đến Harry Potter mà cũng đạo, rồi trở thành trò cười cho cả thế giới", còn có nhiều người cho rằng đây chính là dụng ý của các nhà sản xuất, vì càng bị đả kích thì bộ phim càng được chú ý hơn!
Nguyễn Kinh Thiên và Dương Mịch không những không cứu được Phù Dao mà còn làm nó tệ hơn?
Điện ảnh Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, số phim điện ảnh và truyền hình xuất xưởng mỗi năm nhiều vô số nhưng số tác phẩm có chất lượng tốt chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn.
Riêng truyền hình thì không có được những bộ phim khiến người xem nhớ mãi như Tây Du Ký (1986), Đông Chu Liệt quốc, Hồng Lâu mộng của Vương Phù Lâm (các bản làm lại thì từ dở đến tệ), Vương triều Ung Chính… hay phim hài mang thông điệp xã hội như Khang Hy vi hành… họa hoằn mới có những bộ được làm nghiêm túc như Chân Hoàn truyện, Lang Gia bảng 1 và 2, Danh nghĩa nhân dân…
Nguyên do là nhiều nhà sản xuất chỉ thích mời các "sao" để câu khách, cho dù họ không hợp vai hay diễn kém.
Các ‘sao" thì đòi cát sê thật cao, nhưng lại không đầu tư cho vai diễn mà lạm dụng diễn viên đóng thế để dành thời gian chạy sô. Các nhà phim thì tùy tiện bóp méo lịch sử, đạo nhái cả phim trong nước lẫn quốc tế…
Trước tình trạng này, từ cuối 2016, Tổng cục điện ảnh Trung Quốc đã phải ban hành một số quy chế để chấn chỉnh nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Do vậy, năm 2007 nhà phê bình điện ảnh uy tín Trình Thanh Tùng đã lập ra Giải Cây chổi vàng (Golden Broom Awards) - tương tự giải Mâm xôi vàng của Hollywood.
Giải thưởng không ai muốn nhận này được thực hiện rất nghiêm túc, không kiêng nể một ai, với sự tham gia của cư dân mạng trên weibo và weichat.
Trong danh sách người đoạt giải lẫn được đề cử có những nhân vật rất nổi tiếng như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Thành Long, Đặng Siêu.. Lưu Diệc Phi…
Riêng Dương Mịch giữ kỷ lục đoạt giải "Nữ diễn viên chính gây thất vọng nhất" những 3 lần!
Trong 9 năm của Cây chổi vàng chỉ có một người đến nhận giải là Ảnh đế Vương Bảo Cường.
Khi nhận giải Đạo diễn gây thất vọng nhất 2017 với phim đầu tiên anh làm đạo diễn Đại náo Thiên trúc Vương Bảo Cường đã nói rằng "giải thưởng" này là động lực để anh làm phim tốt hơn!
Năm nay, có lẽ Phù Dao cũng xứng đáng nhận vài giải Cây chổi vàng cho nhiều hạng mục!
Theo Tuổi trẻ