Đạo diễn "Sáng đèn" - phim về cải lương xưa - nói buồn khi phim chỉ thu hơn hai tỷ đồng sau một tuần, có nguy cơ lỗ hàng chục tỷ.
Một tuần sau khi tác phẩm công chiếu, phim thu về 2,6 tỷ đồng. Theo Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tác phẩm trung bình mỗi ngày chỉ được xếp khoảng hơn 200 suất chiếu toàn quốc. Trưa 28/3, doanh thu cập nhật từng ngày của Sáng đèn chỉ khoảng 35 triệu đồng, thấp hơn Muôn vị nhân gian của Trần Anh Hùng - phim Việt ra rạp cùng thời điểm (51 triệu đồng) hay Mai của Trấn Thành - phát hành trước gần hai tháng (56 triệu đồng).
Sáng đèn dần biến mất ở các cụm rạp lớn. Hôm 28/3, tại CGV Sư Vạn Hạnh - một trong những rạp lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh, phim không còn suất chiếu nào, nhường chỗ cho các tác phẩm nước ngoài như Godzilla x Kong, Exhuma. Trên website rạp Galaxy Nguyễn Du (quận 1), ngày 29/3, phim chỉ được xếp một suất chiếu, lép vế so với Godzilla x Kong (19 suất). Dịp Tết Giáp Thìn, Sáng đèn từng được công chiếu trong một ngày, thu khoảng một tỷ đồng, sau đó rút khỏi rạp toàn quốc, dời sang thời điểm phát hành khác vì sức ảnh hưởng của phim Mai.
Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cho biết những ngày qua, anh và êkíp buồn trước hiệu ứng trầm lắng. Nhà làm phim ví von Sáng đèn cũng như số phận gánh cải lương Viễn Phương trong tác phẩm - khó bán vé, ít khán giả xem. Khi liên hệ với một số nhà rạp, anh nhận được câu trả lời phim ế khách do đề tài cải lương ít được số đông công chúng ưa chuộng. Ngoài ra, tác phẩm còn bị cạnh tranh bởi loạt bom tấn khác. "Thật ra, chúng tôi mượn cải lương để nói về tình cảm giữa người và người. Trong giai đoạn khó khăn, hoạn nạn, họ vẫn sống vì nhau, không bị đồng tiền chi phối", anh nói.
Đại diện êkíp cho biết tác phẩm có mức đầu tư cao, gấp đôi những phim điện ảnh anh từng làm, như Nhà không bán, Xóm trọ 3D. Phim đầu tư ở khâu bối cảnh, mỹ thuật, phục trang khi tái hiện không khí các đoàn cải lương đầu thập niên 1990 cùng một số cảnh hành động. Trước nỗi lo tác phẩm có nguy cơ lỗ hàng chục tỷ đồng, Hoàng Tuấn Cường nói hy vọng sắp tới, hiệu ứng truyền miệng từ những khán giả đi xem về giúp phim lan tỏa, đón nhận tín hiệu tích cực hơn. Bà Bích Liên - nhà sản xuất phim - cho biết đã lên kế hoạch phát hành trực tuyến và công chiếu cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Phim lấy bối cảnh năm 1994 - giai đoạn nhiều đoàn cải lương miền Tây bắt đầu tan rã. Gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (Hữu Châu) phải trở thành một gánh tạp kỹ, diễn tuồng xen kẽ các tiết mục xiếc, tấu hài. Họ không được diễn trên sân khấu quy mô, nhà hát sang trọng như thời hoàng kim mà phải lang bạt khắp các bãi sông, đình miếu. Ngoài câu chuyện về cải lương, phim khai thác mối tình của các nhân vật. Lê Phương - Cao Minh Đạt vào vai Thanh Kim Yến - Phi Khanh, đôi nghệ sĩ yêu nhau nhưng buộc chia xa khi đoàn hát lâm nguy. Bạch Công Khanh - Trúc Mây hóa thân thành đôi đào kép trẻ, bén duyên qua những lần đóng chung tuồng cổ.
Nửa sau, tác phẩm mắc nhiều điểm yếu ở kịch bản. Biến cố khiến đoàn Viễn Phương tan rã mang đậm tính sắp đặt, không phản ánh được sự thoái trào của nghệ thuật cải lương. Việc đan xen nhiều câu chuyện khiến phim rời rạc về tổng thể. Kỹ thuật quay và dựng cũng mắc nhiều hạn chế, khiến màu phim bị ngả vàng, kém tự nhiên do chỉnh hiệu ứng.
T.H (theo VnExpress)