Phiền dân, bận công chức

29/11/2012 06:45

Sau hơn 2 năm triển khai cấp sổ hồng mới theo Nghị định của Chính phủ ở TP Hải Dương, nhiều khó khăn, phiền phức đã nảy sinh.



Việc phải vẽ lại sơ đồ nhà đất là một trong những khó khăn, gây tốn kém cho người dân khi cấp lại sổ hồng. Trong ảnh: Ở khu dân cư cầu đường sắt Phú Lương, xã Nam Đồng (TP Hải Dương), người dân tự chuyển nhượng trao tay và tự cơi nới nhà. Ảnh: Vị Thủy


Sau hơn 2 năm triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất và quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là sổ hồng mới) theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 của Chính phủ về cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất  ở TP Hải Dương, nhiều khó khăn, phiền phức đã nảy sinh...

Dân thấy phiền phức

Một trong những khó khăn, tốn kém người dân gặp phải khi cấp lại giấy mới sau chuyển nhượng là hầu hết các trường hợp phải vẽ lại sơ đồ nhà đất với lý do tiêu chí về bản vẽ trước đây không giống với Nghị định 88. Theo quy định tại Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21-10-2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, người dân không bị buộc phải nộp bản vẽ đất. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất có nhiệm vụ trích bản đồ địa chính để làm sơ đồ thửa đất in vào giấy chứng nhận cho người dân. Tuy nhiên, bản đồ địa chính đều làm từ năm 2004 hoặc 2005 nên đã lạc hậu so với hiện trạng sử dụng đất hiện hành. Chưa kể tọa độ ranh giới cũng không phù hợp với bản vẽ hiện hành. Cán bộ thụ lý tự đi thực tế, thời gian cấp giấy lại kéo dài thêm và cũng không đủ người để làm theo cách này. Do đó, người dân vẫn phải tự làm với chi phí cho mỗi bản vẽ hàng chục nghìn đồng/m². Gặp rắc rối nhiều nhất là với bản vẽ diện nhà 61 (mua của Nhà nước) do có diện tích cơi nới, lấn chiếm nên rất khó hình dung được hiện trạng cũ. Nhiều trường hợp trong số này phải vẽ lại nhiều lần.

Với thửa đất đồng thừa kế cũng gặp không ít khó khăn. Anh Nguyễn Văn Bình ở phường Ngọc Châu cho biết: "Bố mẹ tôi cho 3 anh em thừa kế một thửa đất rộng 800 m2. Chúng tôi phải tốn gần 5 triệu đồng nhờ người đo đi vẽ lại để làm hồ sơ nhận thừa kế và cấp sổ hồng mới. Phải mất tới gần 3 tháng trời mới nhận được mỗi người một GCNQSD mới".



Những ngôi nhà người dân mua của Nhà nước ở khu 18, phường Ngọc Châu
gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp sổ hồng


Thậm chí ngay cả trường hợp đã được cấp giấy theo Nghị định 90 cũng gặp không ít phiền toái. Ông Nguyễn Văn Dũng mua căn nhà ở phố Võ Thị Sáu cho biết: "Nhà tôi mua vừa được cấp giấy hồng theo Nghị định 90/2006, nhưng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố vẫn yêu cầu tôi phải nộp đơn xin cấp giấy mới kèm xác nhận của phường. Gần 1 tháng ngược xuôi và chờ đợi phường niêm yết đến 15 ngày tôi mới nộp được hồ sơ. Thực tế không cần thiết phải niêm yết lại vì nhà đất đó trước đây đã được niêm yết và xác nhận không có tranh chấp. Phải mất hơn 2 tháng tôi mới nhận được giấy chứng nhận mới".

Trong việc sử dụng "sổ hồng" là tài sản thế chấp để vay vốn vẫn có một số quy định khiến người dân gặp khó. Anh Nguyễn Văn H. ở phố Nguyễn Công Hòa (phường Hải Tân, TP Hải Dương) cần gấp một số tiền nhập hàng. Nhưng khi xem xét hồ sơ, cán bộ tín dụng của một ngân hàng không đồng ý cho vay vì GCNQSD đất (sổ đỏ) chưa có thông tin về tài sản trên đất nên không đủ điều kiện vay vốn. Anh H. cho biết: "Tôi mua và được cấp sổ đỏ mảnh đất này năm 2008, đến năm 2009 xây ngôi nhà 3 tầng với 280 m2 sàn. Vì xây sau nên trong sổ đỏ chưa có thông tin ngôi nhà. Khi đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố để làm thủ tục đổi từ sổ đỏ sang sổ hồng mới biết rất phức tạp và mất khoảng 30 ngày nên tôi buộc phải vay tín dụng "đen" lãi suất cao để không lỡ cơ hội kinh doanh..."

Cơ quan chức năng thêm việc

Theo phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương, đến đầu tháng 11-2012, TP Hải Dương đã cấp được 34.771 GCNQSD đất (đạt 91,7%), trong đó có 32.445 GCNQSD đất đã trao cho chủ hộ, đạt 93,3%. Cũng trong số này có 24.855 sổ hồng, nhưng mới chỉ có hơn 16 nghìn sổ hồng có nhà. Nhu cầu người dân thành phố hiện nay hầu như ai cũng muốn được cấp sổ hồng, nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do quản lý chưa nghiêm nên việc xây dựng không đúng mục đích sử dụng đất (phổ biến là xây cả trên đất vườn, ao); không đúng quy hoạch, vi phạm mốc giới; không đúng giấy phép hoặc thậm chí không giấy phép xây dựng...

Theo anh Trần Mạnh Cường, cán bộ địa chính phường Ngọc Châu, thực hiện Nghị định 88, từ đầu năm 2010 đến nay, ở phường Ngọc Châu mới có hơn 500 sổ hồng được cấp, bằng khoảng 1/6 nhu cầu người dân, chủ yếu do vướng trong việc xác định tính hợp pháp tài sản trên đất. Đơn cử ở các khu nhà diện 61 như các khu tập thể lâm sản (khu 11), bưu điện (khu 18) người dân còn khó khăn cả trong xin giấy phép sửa chữa, nâng cấp nhà khi đã quá xuống cấp. Khi hóa giá các khu tập thể này không có hồ sơ địa chính bàn giao về phường. Nhiều trường hợp vi phạm quy định xây dựng đô thị như thêm tầng, cơi nới nhà... người dân sẵn sàng chịu xử lý để hợp pháp hóa và để được cấp sổ hồng, nhưng chưa có hướng dẫn xử lý.

Việc thẩm định hồ sơ cấp sổ hồng mất nhiều thời gian hơn do có thêm bản vẽ. Nhiều đơn vị, hộ dân vẽ sai, khi phát hiện buộc vẽ lại thì cho là bị hành. Nếu trước đây chỉ mất khoảng 7 ngày là hoàn tất thủ tục đăng bộ cập nhật biến động trên giấy hồng thì nay ít nhất cũng phải mất đến 15 ngày. Nếu hồ sơ nào gặp trục trặc về bản vẽ thì thời hạn sẽ kéo dài hơn. Việc kéo dài thời gian cấp giấy này khi gặp phải số lượng hồ sơ lớn dễ dẫn đến quá tải. Cách cấp sổ hồng cho mỗi lần chuyển nhượng cũng không thể hiện được quá trình chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Khi công chứng khó có cơ sở xác định tài sản thuộc sở hữu riêng hay chung, được cho hay thừa kế nên lại phải đề nghị người dân xuất trình các giấy tờ xác định việc này. Trong khi các cơ quan chức năng đều thu lại giấy cũ và hồ sơ liên quan khi cấp giấy mới, nên nhiều trường hợp, người dân phải mất công đi trích lục hợp đồng, xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Phiền dân, bận công chức