Khác với những trang thơ viết về chợ, bài thơ “Chợ Gừng” của Tô Ngọc Thạch không đi sâu vào mô tả cảnh vật, không khai thác “chợ” với nét riêng của phong tục, tập quán, hay văn hóa trên mỗi vùng miền, mà có một lối đi riêng.
Khác với những trang thơ viết về chợ, bài thơ “Chợ Gừng” của Tô Ngọc Thạch không đi sâu vào mô tả cảnh vật, không khai thác “chợ” với nét riêng của phong tục, tập quán, hay văn hóa trên mỗi vùng miền, mà có một lối đi riêng.
Mở đầu bài thơ, không cụ thể ở không gian, thời gian, nhà thơ dẫn người đọc nhập phiên “Chợ Gừng” nào đó: “Chợ Gừng trót hẹn cùng nhau/Đi mua một khoảng trời ngâu thuở nào”.
"Thuở nào, chợ Gừng, một khoảng trời ngâu...” đâu phải là địa chỉ rõ ràng? Đâu phải là câu thơ của trực giác, nơi tay ta nắm cầm, nơi mắt ta nhìn thấy? Mà “Chợ Gừng” có thật trên đời kia chỉ còn là tiếng vọng, là tia sáng nơi góc khuất hồn người bỗng lung linh, hiện về trong cái vu vơ của buổi yêu say ban đầu ấy.
Có thể, từ phiên “chợ Gừng” có thật của đất làng mà người viết hoài niệm về một mối tình, một cuộc hẹn hò, với những chập chờn kỷ niệm. “Chợ Gừng” trở thành biểu tượng cho phút xao động mong manh, cho tiếng lòng đơn phương của “một người ôm cầm” giàu cảm xúc.
“Chợ Gừng bán giấc mơ hồng/Ngật ngà câu hát lạc trong vơi đầy...”
Thế đấy. “Chợ Gừng” mà người đọc gặp, chẳng có gì cụ thể. Bởi, “Chợ Gừng” đã biến thành dòng chảy nối dài của hồn người tới hồn người trong suy tư, thấu cảm, trong một tầng “mờ,” chìm lặn, nhưng lại có sức dồn xô, lấp lánh nối nhau: “Chợ Gừng mua ngọt bán cay/Để tôi đắm đuối, dứt day muộn phiền...” Rồi, tiếp nữa, câu thơ cứ gối nhau tìm đến ý tưởng neo đậu. Rồi, từ bến bờ neo đậu lại vươn xa, lại mở ra bến bờ mới khác: “Nghe tin, chợ sắp đổi phiên/Mình tôi ngụp giữa một miền nắng mưa...”.
Và, cứ thế. “Chợ Gừng” - Với thơ, tất cả chỉ là một tầng chìm độc thoại để người viết nương tựa, để khơi dậy tầng chìm sâu, tiếp nữa. Đến câu: “Ngác ngơ trên bến “sông Chờ”/Khi về đến chợ quá trưa mất rồi...”, thì “sông Chờ” với lỡ làng, “chợ trưa, bóng xế” kia, cũng đâu còn là cái cụ thể của địa danh con sông với thời gian. Mà cái thật, cái giọt nước đọng về ở đây là tình, là sợi tơ duyên trong mộng mơ, khao khát, có từ hồn người viết.
Bài thơ được khép lại ở hai câu kết: “Chợ Gừng bán những bồi hồi/Lỡ phiên tôi dắt bóng tôi vào chiều”.
Câu thơ “đọng” nhất trong bài với lối bỏ lửng, đắc địa này, Tô Ngọc Thạch đã “lấy Nó” làm “cái Đế”, tạo hiệu quả mông lung, gây trạng thái bâng khuâng, đòi người đọc cùng nhập hòa và cùng mình tự “lấp đầy khoảng trống”.
Nhà thơ Tô Ngọc Thạch với không ít thử thách, trải nghiệm và thành công trên khá nhiều trang viết, “Chợ Gừng” với bảy cặp, mười bốn câu lục bát “đi trong bóng mờ để khơi lên điểm sáng”... chắc chắn là một “ý thức”, một chọn lựa của nhà thơ, khi viết.
Và, nếu ai đó, đi từ phiên chợ ngoài đời để tìm đến hồn mình, thì “Chợ Gừng” của Tô Ngọc Thạch là lối đi “từ hồn mình tới hồn mình, để tới điểm sáng của “Chợ Gừng” phát lộ”.
Và. “Chợ Gừng”, đấy là bóng hình, là vệt loang của tâm tình, của suy tư người viết.
KIM CHUÔNG
Chợ Gừng Chợ Gừng trót hẹn cùng nhau Đi mua một khoảng trời ngâu thuở nào Cơn mê đắng đót chênh chao Lục trong cõi nhớ thổi vào hư không Chợ Gừng bán giấc mơ hồng Ngật ngà câu hát lạc trong vơi đầy Chợ Gừng mua ngọt bán cay Để tôi đắm đuối dứt day muộn phiền Nghe tin chợ sắp đổi phiên Mình tôi ngụp giữa một miền nắng mưa Ngác ngơ trên bến sông Chờ Khi về đến chợ quá trưa mất rồi Chợ Gừng bán những bồi hồi Lỡ phiên tôi dắt bóng tôi vào chiều
|