Phía sau những tấm huy chương quý giá mang vinh quang về cho thể thao tỉnh nhà có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ y, bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn chăm sóc vận động viên
Cường độ làm việc cao
Ở Hải Dương, duy nhất Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh có đội ngũ y, bác sĩ thể thao trực tiếp chăm sóc cho vận động viên (VĐV) gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ. Nhân lực mỏng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác điều trị rất hạn chế, trong khi số lượng VĐV phải khám và điều trị rất đông, thậm chí VĐV của trung tâm khác cũng sang đây điều trị. Vì vậy, các y, bác sĩ luôn phải làm việc với cường độ cao.
Là bác sĩ duy nhất, kiêm Phó Trưởng Trạm y tế của trung tâm, nhiều hôm anh Nguyễn Xuân Tuấn kết thúc công việc ra về khi trời đã tối đen. "Mỗi ngày, chúng tôi khám và điều trị cho khoảng 20 - 30 VĐV với nhiều loại chấn thương như lật cổ chân, rách giãn cơ, căng cơ, sai khớp, bầm dập do va chạm, nặng hơn là đứt dây chằng, gẫy xương… Nhiều hôm số lượng VĐV khám và điều trị quá tải", anh Tuấn nói.
Từng tham gia điều trị những chấn thương nặng, nhưng điều dưỡng Lê Đức Hùng nhớ nhất là năm 2012, VĐV Trần Đình Nam (bộ môn võ) bị hoại tử sụn xương sên cổ chân. Anh Hùng luôn quan tâm động viên, giúp VĐV Nam vượt qua lo lắng, đồng thời theo sát anh trong suốt thời gian điều trị tại các bệnh viện cũng như khi tập hồi phục. "Trong suốt thời gian đó, tôi coi Nam như người thân và chăm sóc, bảo vệ cho báu vật của thể thao tỉnh nhà. Sau này, Nam đã giành nhiều thành tích rất cao như huy chương vàng Giải vô địch pencak silat thế giới năm 2015, huy chương vàng tại ASIAD 18. Mỗi tấm huy chương Nam đạt được, tôi đều vui sướng và coi đó như tấm huy chương của chính mình", anh Hùng chia sẻ.
Các y, bác sĩ của trung tâm còn phải theo điều trị cho các VĐV đi thi đấu ở tỉnh ngoài. Nhân lực mỏng nên mỗi lần theo đoàn chỉ có 1 người. Trường hợp nhiều đoàn ở các khách sạn khác nhau, cán bộ y tế phải sắp xếp thời gian hợp lý, di chuyển bằng mọi phương tiện có thể để kịp thời điều trị cho VĐV. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định năm 2014, một mình anh Hùng phụ trách cho nhiều đoàn có cường độ thi đấu cao như điền kinh, võ, cử tạ. Cường độ làm việc của anh Hùng khi đó cũng không kém gì VĐV. "Chuẩn bị thi đấu tôi phải xoa bóp dầu nóng để VĐV mềm cơ và không bị chuột rút, sau mỗi nội dung thi đấu lại xoa bóp thả lỏng. Vất vả nhất là chăm sóc sau thi đấu, từ 19 giờ xoa bóp, thả lỏng cho VĐV điền kinh xong, tôi lại bắt taxi sang địa điểm khác chăm sóc cho VĐV cử tạ, có hôm làm đến gần 12 giờ đêm, người mệt nhoài", anh Hùng cho biết thêm.
Động lực gắn bó với nghề
Đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh đã có thời gian gắn bó với các lứa VĐV của trung tâm hơn 10 năm qua. Mặc dù rất vất vả nhưng họ vẫn bám trụ và gắn bó với nghề.
Anh Hùng vào nghề từ năm 2008, sau 10 năm làm nhân viên hợp đồng đến năm 2019 anh mới được vào biên chế. Quá trình ấy, anh đã từng có ý định bỏ nghề vì điều kiện làm việc vất vả nhưng thu nhập kém. Trong khi các y, bác sĩ ở đơn vị khác có phụ cấp đặc thù, thấp nhất là 40%/tháng thì ở đây chỉ được 10% (lúc có lúc không). Nhưng sự quý mến và trân trọng của các huấn luyện viên, VĐV, đặc biệt là niềm vui, hạnh phúc sau mỗi tấm huy chương của VĐV đã tiếp thêm động lực giúp anh gắn bó với nghề.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn cũng cho biết: "Chúng tôi tâm niệm VĐV như những báu vật của tỉnh và đội ngũ y, bác sĩ thể thao phải có trách nhiệm để chăm sóc, bảo vệ những báu vật đó".
Hiện Trạm y tế của trung tâm còn thiếu thốn về mọi mặt. Đội ngũ y, bác sĩ mong rằng thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực để họ có điều kiện phát huy khả năng và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp thể thao tỉnh nhà.
THẾ ANH