Mỹ đang tiến dần tới cột mốc quan trọng khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 bằng nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả, bao gồm tiêm chủng vắc xin.
Mỹ gặt hái được thành tựu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin (Ảnh minh họa: AFP)
Mỹ chưa bao giờ tiến gần đến thời điểm kết thúc đại dịch Covid-19 như hiện tại. Trong bối cảnh đó, vắc xin được xem như "phép màu" thần kỳ, khiến virus phải "đầu hàng" sau nhiều tháng tàn phá đất nước.
Những thành phố từng vắng tới mức chỉ có tiếng còi xe cứu thương vang trong đêm đang dần sôi động trở lại. Khách du lịch lại được ngồi trên những chuyến bay chật kín người. Cuộc sống từng khiến nhiều người lo lắng nay đã dần trở lại bình thường.
Người Mỹ bắt đầu quen với việc được gặp nhau trong nhà và không cần đeo khẩu trang. Họ đang "học" cách ôm nhau và mỉm cười trở lại. Ông bà được đoàn tụ với con cháu. Những thanh thiếu niên đã tiêm vắc xin có thể được ngủ qua đêm ở nhà bạn bè. Các sân vận động lại chật kín khán giả tới xem các trận đấu.
Các công viên giải trí mở cửa trở lại. Tắc đường vào giờ cao điểm lại diễn ra. Nhân viên văn phòng quay trở lại làm việc. Các cặp đôi hẹn hò không nhất thiết phải ở trong nhà hàng. Các trường học chào đón học sinh trở lại. Và trên sân khấu Broadway, các chương trình biểu diễn sẽ sớm diễn ra.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) trong tháng này ra thông báo dỡ yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với những người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Thông báo này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến đối phó Covid-19 ở tâm dịch lớn nhất thế giới.
Bây giờ, người dân Mỹ ít nhất có thể tin vào cam kết của Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, trong những ngày đen tối của mùa đông năm trước rằng, đại dịch sẽ kết thúc.
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới đang giảm ở 36 bang. Tính đến ngày 24.5, số ca mắc Covid-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ là 25.270 người. Số ca bệnh nặng cũng giảm dần nhờ những mũi tiêm vắc xin hiệu quả.
"Điều này có ý nghĩa rất lớn. Mùa hè năm nay có lẽ sẽ tươi sáng hơn", Monica Gandhi, giáo sư tại Đại học California ở San Francisco, nhận định.
Bà Gandhi cho rằng không lâu nữa, Mỹ có thể quay về ngưỡng 10.000 ca mắc mới mỗi ngày - điều mà chuyên gia Anthony Fauci, nhà dịch tễ hàng đầu của Mỹ, cho là dấu hiệu đại dịch sắp kết thúc.
Sự khác biệt trong mùa hè năm nay là hàng chục triệu người Mỹ, chính xác là 131 triệu người, đã được tiêm chủng đầy đủ. Gần 300 triệu liều vắc xin đã được phân phối, làm giảm đáng kể số người nhiễm bệnh.
Nhà Trắng kỳ vọng rằng một cột mốc quan trọng mới sẽ đạt được trong tuần này khi một nửa số người Mỹ trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Những thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi hiện đã đủ điều kiện để tiêm vắc xin Pfizer.
Moderna ngày 25.5 tuyên bố vắc xin Covid-19 của họ an toàn và dường như có hiệu quả đối với các thanh thiếu niên sau khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên nhóm có độ tuổi từ 12 đến 17.
"Tôi nghĩ thông tin tuyệt vời nhất là 1,2 triệu trẻ em được tiêm chủng trong tuần này sắp được tận hưởng một mùa hè thoải mái", Andy Slavitt, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết hôm 24.5.
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13.5, Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Mỹ là "thành tựu mang tính lịch sử". Chính quyền Biden đặt mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin cho 70% dân số trưởng thành trước ngày 4.7.
Sự cảnh giác của người Mỹ
Tổng thống Joe Biden tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh: Reuters)
Tình hình sức khỏe cộng đồng được cải thiện bắt đầu tạo đà cho nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ sau những ngày bị dịch bệnh tàn phá. Chỉ số của Moody's Analytics cho thấy nền kinh tế Mỹ đã đi được 90% trên con đường quay trở lại mức trước đại dịch. Ở một số nơi, tình trạng thiếu hụt lao động phản ánh tốc độ mở cửa trở lại của Mỹ, đồng nghĩa với việc tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm giảm xuống.
Mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến khả quan, song nhiều người Mỹ vẫn cảnh giác. Nhiều người trong số hàng triệu người Mỹ đeo khẩu trang vẫn chần chừ với việc từ bỏ thói quen này, vì lo ngại vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng nhưng không đeo khẩu trang.
Đối với một đất nước từng bị phong tỏa, chính trị xáo trộn do đại dịch và nhận hệ quả vì lạc quan quá sớm, sẽ phải mất một khoảng thời gian để người Mỹ xem xét mọi sự thay đổi trước khi mở cửa hoàn toàn.
Gần 600.000 người Mỹ mắc Covid-19 đã không thể sống đến ngày chứng kiến đất nước mở cửa trở lại. Một nước Mỹ thống nhất hơn, ít chia rẽ hơn có thể đã cứu được nhiều người trong số họ. "Bóng ma" Covid-19, với các triệu chứng nghiêm trọng kéo dài, vẫn tiếp tục đeo đuổi những người từng nhiễm bệnh. Trong khi đó, những thách thức về sức khỏe cộng đồng vẫn còn.
Tại một số khu vực ở Mỹ, thường là những bang mà cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm ngoái, người dân vẫn đang cảnh giác với vắc xin. Sự hoài nghi của họ đối với vắc xin Covid-19 có nguy cơ dập tắt những hy vọng về việc tiêu diệt tận gốc virus.
Phép thử thực sự về việc liệu nước Mỹ có thể trở lại bình thường hay không sẽ không xảy ra vào mùa hè, mà là vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp ở các "điểm nóng" Covid-19.
Trong bối cảnh phần còn lại của thế giới vẫn đang vật lộn đối phó với đại dịch, các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như các nước Anh, Israel và nhiều nước châu Âu - những nơi đang đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin đều đối mặt với hai câu hỏi: Thứ nhất, liệu họ có tôn trọng nghĩa vụ đối với nhân loại và giúp đỡ các quốc gia đang bị Covid-19 tàn phá khủng khiếp bằng cách tăng cường cung cấp vắc xin? Thứ hai, liệu chiến dịch tiêm chủng của họ đã đủ mạnh để chấm dứt các biến thể của Covid-19 và kéo dài sự tự do của người dân.
Mỹ vẫn phải đối mặt với những hậu quả lâu dài mà họ chưa thể thấy hết ở thời điểm hiện tại và sẽ chỉ nhận ra sau nhiều năm nữa. Những thiệt hại gây ra cho các thanh thiếu niên Mỹ có thể không bao giờ được khắc phục hoàn toàn sau một năm học trực tuyến.
Những tác động do Covid-19 gây ra cũng có thể cảm nhận được trong các hoạt động đối ngoại. Báo cáo của tình báo Mỹ được hé lộ trong tuần này cho thấy Washington và Bắc Kinh vẫn đang tranh cãi về nghi vấn Covid-19 thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán. Sự cạnh tranh về địa chính trị có thể đóng băng thêm quan hệ Mỹ - Trung.
Các vụ xả súng hàng loạt gần đây và làn sóng tội phạm cũng là lời nhắc nhở rằng, vẫn còn nhiều thách thức mà Mỹ phải đối mặt.
Tuy vậy triển vọng về một tương lai tươi sáng cho nước Mỹ đang ngày càng hiện rõ.
Theo Dân trí