Cuộc họp vừa kết thúc, thấy anh An có vẻ không vui, anh Bến hỏi:
- Anh vừa được thủ trưởng khen hoàn thành tốt nhiệm vụ, sao lại ỉu xìu thế?
- Là vì tôi thấy mình không xứng đáng.
- Anh cứ khiêm tốn, việc này đã được bình xét rồi.
- Nhưng tôi vẫn thấy không ổn. Tháng trước chị Hoài mắc ít khuyết điểm hơn tôi, nhưng vẫn bị phê bình, kiểm điểm, còn hạ cả một bậc thi đua nữa.
- Cậu không biết sao? - Anh Hoành chen vào.
- Biết gì cơ?
- Thì lỗi của chị Hoài là do cá nhân chị ấy mắc phải nên bị kiểm điểm, phê bình là đúng. Còn khuyết điểm của cậu là do lỗi “hỗn hợp”, có cả trách nhiệm của thủ trưởng nữa. Cậu mà bị hạ thi đua thì thi đua của thủ trưởng cũng hạ theo à? Thôi đừng gương mẫu quá thế, cứ “vô tư đi”.
- Anh biết thế sao lúc họp không có ý kiến? - Bến chất vấn.
- Ý kiến thế nào? Vừa đặt vấn đề xong, “sếp” đã phát biểu ý kiến trước rồi, chẳng nhẽ lại phản bác. Mà khuyết điểm của “sếp” trong vấn đề của cậu An chỉ vài người biết. Mình nói ra để bị vạ lây à?
- Cậu nghĩ như vậy là chưa đúng, Bến nói. Mình góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp là vì sự tiến bộ chứ không phải để hạ bệ nhau. Cậu An có khuyết điểm, phải thẳng thắn góp ý phê bình để cậu ấy và mọi người cùng rút kinh nghiệm. Riêng cậu An, cũng phải dũng cảm nhận hạn chế, thiếu sót của mình trước cuộc họp, không nên để mọi việc xong xuôi rồi mới cảm thấy băn khoăn, khó xử.
- Thế còn thủ trưởng thì sao? Trong cuộc họp, nhân viên còn chưa bày tỏ quan điểm mà lãnh đạo đã cho ý kiến cá nhân trước, thì khó mà phát huy dân chủ. Lại còn bao che, dung túng khuyết điểm của người khác vì sợ liên luỵ đến mình. Liệu cậu có dám phê bình thủ trưởng không?
- Có chứ, mình sẽ góp ý với thủ trưởng vào dịp thích hợp. Mình tin là “sếp” sẽ không vì thế mà trù dập anh em mình.
- Được rồi, nếu thủ trưởng thừa nhận khuyết điểm trước anh em, nhất định chúng tớ sẽ nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong các cuộc họp tới. Cán bộ phải nêu gương trước chứ!
- Cậu đúng là... Nói rồi cả ba nhất trí sẽ gặp thủ trưởng để góp ý về cuộc họp hôm nay.
ĐỒNG CHÍ