Phát triển thương mại điện tử: Hướng đi tất yếu để hội nhập

04/01/2021 11:50

Hoạt động thương mại điện tử đã từng bước phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.


Khoảng 60% giao dịch của Công ty CP Công nghệ thương mại dịch vụ Vietstars được thực hiện thông qua thương mại điện tử

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. 

Đẩy mạnh ứng dụng

Từ tháng 9.2016, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020. Sau nhiều năm triển khai, hoạt động TMĐT trong tỉnh đã từng bước phát triển, đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển của DN nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Công ty CP Công nghệ thương mại dịch vụ Vietstars (TP Hải Dương) thành lập hơn chục  năm nay, chuyên kinh doanh, phân phối các sản phẩm công nghệ, thiết bị văn phòng, máy kỹ thuật công nghệ cao. Xác định rõ vai trò quan trọng của TMĐT trong kinh doanh, ngay từ khi mới thành lập, công ty đã tập trung xây dựng website riêng. Những năm gần đây, khi TMĐT phát triển hơn, DN đã đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch TMĐT, tạo các ứng dụng trực tuyến và sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. "Khoảng 60% giao dịch của công ty được thực hiện thông qua hoạt động TMĐT. Công ty đang tận dụng các lợi thế của TMĐT để xây dựng hình ảnh DN. TMĐT giúp DN đẩy mạnh doanh số bán hàng, tạo dựng được thương hiệu và cắt giảm nhiều chi phí so với kinh doanh truyền thống", ông Nguyễn Đình Phương, Giám đốc công ty khẳng định.

Những năm qua, Sở Công thương đã tập trung xây dựng các giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử và ứng dụng TMĐT cho các DN trong tỉnh. Sở đã lựa chọn hỗ trợ thiết kế, xây dựng website TMĐT để bán hàng, xây dựng thương hiệu cho 29 DN; hỗ trợ 27 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín và triển khai ứng dụng marketing trực tuyến. Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) của Sở Công thương đã liên kết giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, cổng thông tin điện tử trong và ngoài nước. Duy trì, phát triển các phần mềm dùng chung hỗ trợ ứng dụng TMĐT như bản đồ trực tuyến điểm phân phối hàng Việt, quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu Hải Dương...

Hiện nay, dịch vụ ngân hàng và thanh toán điện tử được đẩy mạnh. Hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại đều chấp nhận thẻ thanh toán POS, thanh toán không dùng tiền mặt. Các ngân hàng liên tục phát triển nhiều ứng dụng TMĐT tiện ích cho khách hàng. Dịch vụ thanh toán liên ngân hàng qua internet và mobile banking ngày càng phổ biến. Ngân hàng phát triển mạnh hình thức thanh toán trực tuyến đối với hoá đơn điện, nước, điện thoại, nộp thuế điện tử, mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có trên 30% số DN có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thuế điện tử, trong đó 100% số DN nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đăng ký tham gia dịch vụ với các ngân hàng...


 Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh được duy trì và hoạt động hiệu quả

Phấn đấu đứng trong top 10

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), chỉ số TMĐT của Hải Dương năm 2020 đạt 47,5 điểm, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Một số chỉ số TMĐT tăng mạnh như giao dịch giữa cơ quan nhà nước và DN đứng thứ8 (tăng 8 bậc so với năm 2015); giao dịch giữa DN với người tiêu dùng đạt 62,2 điểm, đứng thứ 9 (tăng 6 bậc). Kết quả này đã phản ánh sự phát triển tích cực của TMĐT trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, góp phần đẩy nhanh tốc độ số hóa, phát triển chính phủ điện tử và kinh tế số.

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm XTTM cho biết hiện nay các DN trong tỉnh đã tiếp cận với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet. Hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch TMĐT và trang mạng xã hội tăng mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiêu dùng, thay đổi thói quen mua sắm từ truyền thống sang hiện đại. Ứng dụng TMĐT là chìa khóa giúp DN kết nối giao thương với đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường kinh doanh xuyên biên giới. 

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm từng bước đưa TMĐT của tỉnh phát triển và hội nhập, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Hải Dương đặt mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ có khoảng 55% số dân tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số giao dịch TMĐT giữa DN với người tiêu dùng tăng bình quân 15%/năm, phấn đấu đưa chỉ số TMĐT của Hải Dương đứng trong top 10 của cả nước...

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng các giải pháp cụ thể về công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về TMĐT; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ TMĐT và phát triển các sản phẩm, giải pháp, hỗ trợ DN triển khai ứng dụng TMĐT.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển thương mại điện tử: Hướng đi tất yếu để hội nhập