Từ những cuộc tham quan các mô hình nuôi cá tiêu biểu trong và ngoài tỉnh, nhiều nông dân xã Cẩm Hoàng đã thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất bãi trũng sang nuôi cá...
Mỗi năm gia đình ông Nguyễn Đình Lân ở thôn 19-5 thu lãi 25 triệu đồng từ nuôi cá
Nuôi cá hiệu quả caoDẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi trồng thuỷ sản ở thôn 19-5 của xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), ông Nguyễn Văn Lân, Trưởng thôn cho biết: Thôn rộng 22 ha, trong đó có 14,6 ha nuôi thuỷ sản. Trước kia, đây là khu vực HTX tiểu, thủ công nghiệp chuyên làm gạch của huyện. Đến đầu những năm 90, HTX bị giải thể, công nhân làm trong HTX được chia đất. Một số người vẫn tiếp tục nghề làm gạch. Sau đó, theo chủ trương của tỉnh, các hộ dân sống ở đây tận dụng diện tích đất để tạo ao nuôi cá. Cùng thời điểm này, UBND xã Cẩm Hoàng xây dựng đề án chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, thùng vũng sang nuôi thuỷ sản. Tuy nhiên, hầu hết các hộ mới chỉ tận dụng diện tích ao để nuôi phục vụ nhu cầu của gia đình, chưa sản xuất theo hướng hàng hoá.
Ông Ngô Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng cho biết: Để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Cẩm Hoàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện từng bước, có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Xã chọn thôn 19-5 làm điểm. Đồng thời, phát động cán bộ, đảng viên đi đầu trong chuyển đổi, đưa các loại cá mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Để thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhân dân, xã đã tổ chức cho cán bộ, một số hộ chuyển đổi đi tham quan các mô hình nuôi cá tiêu biểu, cho năng suất, hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.
Năm đầu, xã đã chuyển đổi hơn chục ha sang nuôi cá, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2- 3 lần so với cấy lúa. Nhiều gia đình thu hoạch hàng tấn cá, lãi cả chục triệu đồng. Những mô hình này đã làm thay đổi nhận thức của bà con trong xã. Từ đó, phong trào chuyển đổi ruộng trũng, thùng, vũng, diện tích mặt nước bỏ hoang ở Cẩm Hoàng diễn ra mạnh mẽ. Nhiều gia đình chuyển đổi diện tích cho nhau để hình thành các vùng nuôi tập trung. Đến nay, xã Cẩm Hoàng có 151 ha nuôi thuỷ sản, 65% số gia đình có ao thả cá. Trong đó, diện tích nuôi thuỷ sản tập trung rộng khoảng 44 ha, ở 3 thôn: 19-5, Ngọc Lâu và Kim Đôi. Nếu trước đây, người dân chỉ chuyên nuôi các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè thì nay đã kết hợp thả các loại cá cho giá trị kinh tế cao như chép lai, cá rô phi đơn tính, chim trắng...
Hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể, năng suất cá từ 4-5 tấn/ ha trước đây đã tăng lên hơn chục tấn/ha. Để tạo điều kiện trong việc trao đổi kỹ thuật, giúp đỡ về vốn, kinh nghiệm sản xuất, xã Cẩm Hoàng đã thành lập Câu lạc bộ Chăn nuôi thu hút hơn 30 hộ tham gia. Hằng năm, các tổ chức Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã... phối hợp với các đơn vị của tỉnh, huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đối với các loại thuỷ sản cho người dân. Do đó, hiệu quả nuôi thuỷ sản ở Cẩm Hoàng tăng lên đáng kể. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi cá. Các trang trại chăn nuôi tập trung đã góp phần tạo việc làm cho gần 1.000 lao động lớn tuổi ở địa phương.
Cùng với nuôi cá, ở các vùng chuyển đổi, người dân trồng các loại cây ăn quả, xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gia cầm... tăng thêm hiệu quả kinh tế. Xã luôn duy trì đàn gia cầm 135 nghìn con, đàn lợn gần 3.000 con.
Phát triển thành vùng trọng tâm nuôi cáĐể mở rộng diện tích thuỷ sản và đưa Cẩm Hoàng thành một trong những vùng trọng tâm nuôi thuỷ sản của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản tập trung của xã, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 44 tỷ đồng, trên diện tích 70,4 ha. Trong đó, tập trung cải tạo 105 ao cũ và xây dựng thêm 100 ao mới. Xây dựng hệ thống đường diện, đường giao thông, kênh tiêu thoát nước, khu nhà quản lý, kho, xưởng... Hiện nay, xã đã hoàn thành việc thống kê diện tích, đăng ký các hộ tham gia chuyển đổi.
Chủ tịch UBND xã Ngô Xuân Mạnh cho biết: Việc xây dựng khu chuyển đổi tập trung sẽ mang lại những thuận lợi cho người chăn nuôi cũng như cho người dân trong xã. Khu chuyển đổi được quy hoạch rõ ràng, có hệ thống tiêu, thoát nước riêng sẽ giải quyết được vấn đề mà khu nuôi thuỷ sản tập trung trước đây chưa làm được. Người dân có điều kiện được sử dụng nguồn nước sạch, góp phần giảm các loại bệnh lây nhiễm cho cá. Đây là nơi xa dân cư, các loại vật nuôi kèm theo như gia cầm, lợn cũng sẽ tránh được dịch bệnh. Việc hình thành khu sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi cũng như việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các đề tài, dự án nghiên cứu trong lĩnh vực thuỷ sản.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển đổi, Cẩm Hoàng cũng gặp một số khó khăn. Một số hộ dân trong vùng quy hoạch không đồng ý tham gia chuyển đổi. Một số diện tích của các hộ dân còn nhỏ, không phù hợp với quy hoạch. Giá cả các loại vật liệu tăng, làm chậm tiến độ xây dựng. Hiện nay, việc nuôi thuỷ sản của người dân cũng đang gặp một số khó khăn khác như: giá cá giống, thức ăn chăn nuôi tăng, dịch bệnh liên tục xảy ra, thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm hiệu quả của việc nuôi cá. Những khó khăn trên cần được tháo gỡ để phát triển Cẩm Hoàng thành vùng trọng tâm nuôi thủy sản của tỉnh.
THANH HÀ