Phát triển nông nghiệp sạch ven đô

02/11/2019 20:06

Phát triển nông nghiệp ven đô ở tỉnh Hải Dương những năm gần đây có nhiều tín hiệu vui.

Người dân ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) chăm sóc vườn cà chua ghép trên gốc cà tím. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Địa phương đang từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Sản phẩm rau, củ quả của địa phương đã xuất hiện tại các siêu thị trong nước cũng như được nhiều hệ thống nhà hàng, bếp ăn các trường học tin dùng. 

Ứng dụng nhà màng, nhà lưới

Tháng 10, vườn cà chua ghép trên gốc cà tím sai trĩu quả của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, thôn Đông Giàng, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) cho thu hoạch rộ.

“Nhà tôi có 3 sào vừa trồng cây lấy quả vừa ươm cây giống. Giá cà chua trên thị trường là 16.000 đồng/kg, cây giống là 17.000 đồng/kg. Trước nhà tôi trồng lúa, mấy năm gần đây trồng cà chua. Lợi nhuận từ cây cà chua cao gấp 3 - 4 lần”, ông Tiến cho biết. Gia đình ông trồng theo quy trình VietGAP, bón phân vi sinh, không dùng thuốc trừ cỏ, mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới.

Cây cà chua ghép trên gốc cà tím là kết quả của việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xã Thượng Đạt áp dụng từ năm 2015. Hiện xã đã có 25 ha cà chua thu hoạch ổn định.

Khu vườn ươm cà chua ghép trên gốc cà tím giống của người dân xã Thượng Đạt. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Đạt, năm 2015, xã có 11 gia đình tham gia thí điểm nhưng đến nay địa phương đã có 55 gia đình trồng cây lấy quả và 15 hộ gia đình bán cây giống. Hiện cà chua ghép trên gốc cà tím trở thành giống cây chủ lực, bền cây hơn cà chua thường. Sản lượng đạt gần 3.000 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định đối với người dân địa phương. Hàng năm, xã tổ chức các lớp tập huấn để nông dân thường xuyên cập nhật kiến thức về nông nghiệp.

Những năm gần đây, mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới ở Hải Dương đạt hiệu quả cao. Theo thống kê của Phòng Kinh tế UBND thành phố Hải Dương, cây cà chua ghép trên gốc cà tím trồng trong nhà màng tại xã Thượng Đạt cho hiệu quả 70,3 triệu đồng/ha, nếu trồng với điều kiện thường chỉ lãi 36,4 triệu đồng/ha.

Tương tự, cây cần, tỏi tây trồng trong nhà lưới tại phường Thạch Khôi lãi 244 triệu đồng/ha, cao hơn 70 triệu đồng/ha so với canh tác điều kiện thông thường. Rau các loại trồng trong nhà lưới ở phường Nhị Châu lãi 66,5 triệu đồng/ha, cao hơn 45 triệu trồng/ha so với rau trồng ngoài điều kiện thường.

Theo bà Đỗ Thị Thu, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương, sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới giúp giảm sâu bệnh, tăng năng suất, nâng chất lượng, giảm chi phí chăm sóc, đặc biệt phù hợp với rau, quả trái vụ. Sản xuất trong nhà lưới dễ kết hợp với lắp hệ thống tưới và ánh sáng tự động, giúp tăng năng suất, đa dạng được các loại cây trồng.

Hiện TP Hải Dương xây dựng được 26 nhà lưới với diện tích 23.020m2 và 6 nhà màng với diện tích 5.480m2 ở các xã An Châu, Thượng Đạt, Tân Hưng và phường Nhị Châu, Thạch Khôi.

Mở rộng sản xuất theo chuẩn VietGAP

Tác động của đô thị hóa khiến đất nông nghiệp tại tỉnh ngày càng thu hẹp. Thành phố xác định phát triển toàn diện ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế hiện có, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Chú thích ảnh

Khu vực nuôi cá lồng của người dân làng chài Kim Lai, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương). Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Những năm tới, TP Hải Dương duy trì diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 là 750 ha, tăng tỉ lệ diện tích lúa chất lượng cao từ 60% lên 75%. Địa phương mở rộng các vùng sản xuất rau màu theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt và khuyến khích mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Diện tích trồng hoa đào từ 50 ha tăng lên 70 ha; diện tích trồng hoa các loại khác từ 14 ha lên 25 ha.

Thành phố phát triển chăn nuôi theo hướng hình thành gia trại, trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp được giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

TP Hải Dương hiện có 277 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó có khoảng 1.000 lồng cá, tương đương 1/4 số lồng cá trong toàn tỉnh. Các giống cá được nuôi chủ yếu gồm rô đơn tính, trắm cỏ, chép, trôi Ấn Độ, diêu hồng… Cơ quan chuyên môn khuyến khích, hướng dẫn các hộ đa dạng hóa đối tượng, tuân thủ quy trình thực hành nuôi tốt phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành để nâng năng suất, chất lượng, bảo đảm đầu ra.

Để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp, tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020”.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật cho vùng rau màu chuyên canh có quy mô từ 5 ha trở lên; hỗ trợ nông dân đầu tư nhà màng, nhà lưới diện tích từ 500 m2 trở lên với mức 10.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới.

Với vùng sản xuất rau VietGAP có quy mô từ 5 ha trở lên, tỉnh hỗ trợ kinh phí mua giống, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Những hộ thuê đất quy mô 5 ha trở lên, thời gian thuê tối thiểu 5 năm liên tục, tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/ha trong 2 năm đầu.

Chú thích ảnh

Người dân ở xã Thượng Đạt chăm sóc vườn cà chua ghép trên gốc cà tím. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

TP Hải Dương hỗ trợ 50% giống cây trồng với quy mô 2 - 5 ha trong năm 2017 và 2018, 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với quy mô 2-5 ha trong năm 2017 và 2018, hỗ trợ kinh phí tập huấn trồng rau, quả theo quy trình hữu cơ, trồng thủy canh. Địa phương hỗ trợ các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản an toàn kinh phí mua máy kiểm tra hàm lượng u rê, kim loại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí cho các hộ sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc rau, quả an toàn.

Thành phố hiện đang tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông sản sạch. Cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ đề nghị cấp nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm cà chua Thượng Đạt. Hiện rau, quả an toàn sản xuất tại các vùng ven đô Hải Dương đã được cung ứng tại hệ thống nhà hàng, siêu thị, bếp ăn bán trú của trường học trên địa bàn.

Một số địa phương như Nhị Châu, Thượng Đạt, Tân Hưng kết nối thành công tiêu thụ sản phẩm rau, quả an toàn qua kênh siêu thị của tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Green Farm Mộc Châu, Công ty TNHH Grefmy để đến với nhiều thị trường ngoài tỉnh.

Theo bà Đỗ Thị Thu, thời gian tới, thành phố tiếp tục chỉ đạo và tạo điều kiện để các địa phương nâng sản lượng tiêu thụ tại những thị trường hiện có.

Hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn đã và đang hình thành. Bà Đỗ Thị Thu cho biết hiện nhà máy sản xuất sữa đậu nành theo công nghệ Nhật Bản đã đi vào hoạt động. Nhà máy chế biến rau, củ, quả dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Thạch Khôi đang được đổi mới công nghệ. Thời gian tới, thành phố sẽ có thêm 1 cơ sở giết mổ tập trung để cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và một phần xuất khẩu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nông nghiệp sạch ven đô