Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 2: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

30/03/2017 05:57

Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là cơ hội để vực dậy ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.




Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân là hết sức cần thiết

Nhưng nếu nông dân không thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đón nhận cách thức sản xuất mới thì khó có thể hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Xóa bỏ tư duy tiểu nông


"Khoán 10" đã tạo bước ngoặt lớn trong sản xuất nông nghiệp khi nông dân được quyền quyết định sản xuất gì trên mảnh ruộng của mình. Tình trạng trì trệ trong canh tác, sản xuất không còn mà thay vào đó là tâm lý phấn khởi, mong muốn gắn bó với đồng ruộng của người dân. Tuy nhiên, theo thời gian chính sách này bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Sản xuất theo hộ cá thể không còn phù hợp trong bối cảnh mới bởi mục tiêu của ngành nông nghiệp hiện tại không còn là bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ tiêu dùng trong nước mà là vươn ra thế giới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Mặt trái của "Khoán 10" đã hình thành tâm lý sở hữu ruộng đất cho nông dân, khiến việc tích tụ ruộng đất, hướng tới sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc) cho biết, Cánh cửa xuất khẩu với ngành nông nghiệp tỉnh nhà mỗi lúc một rộng mở bởi chúng ta có đầy đủ những điều kiện, yếu tố cần thiết. Tuy nhiên, tư duy tiểu nông, ăn chắc của nông dân là rào cản lớn khó có thể xóa bỏ. Công ty từng có ý định thuê đất, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng, phục vụ xuất khẩu. Kế hoạch đã sẵn sàng nhưng việc thực hiện lại không hề đơn giản. Nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng nhưng lại quyết tâm giữ ruộng bởi họ sợ mất quyền lợi. Vì vậy, dù nằm giữa vùng nguyên liệu, công ty vẫn phải thuê đất ở tỉnh ngoài. Khi số lượng hàng không đủ, công ty phải tốn nhiều thời gian, công sức gom từng đơn hàng lẻ, sau đó chọn lọc theo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu có được cánh đồng lớn, sản xuất đồng bộ thì những vấn đề này dễ dàng được giải quyết.

Đối với tỉnh có truyền thống thâm canh rau màu như Hải Dương thì cơ hội mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC là rất lớn. Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội đang bị cản trở bởi chính chủ thể sản xuất là nông dân. Việc huyện Bình Giang không thể dồn ruộng cho Tập đoàn Vingroup thuê để sản xuất rau sạch là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Mỗi cơ hội bị bỏ lỡ thì con đường đến với NNCNC sẽ lại dài thêm. Ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phạm Kha (Thanh Miện) trăn trở: "HTX đã phải từ chối nhiều cá nhân, tổ chức ngỏ ý muốn hợp tác sản xuất chỉ vì nông dân không đồng thuận. Người dân lo sợ bị mất đất nên ngại liên kết. Đây là nỗi lo chính đáng bởi những ràng buộc giữa nông dân với doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, nếu bị phá vỡ, nông dân sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất. Nhưng nếu không mạnh dạn thay đổi thì sản xuất nông nghiệp mãi ở trong vòng luẩn quẩn về giá cả, thị trường".

Chính quyền cần chủ động vào cuộc


Hướng tới sản xuất NNCNC, đồng ruộng không thể manh mún, nhỏ lẻ. Để tạo nền tảng, điều kiện cho NNCNC phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh khuyến khích cá nhân, tập thể tích tụ ruộng đất. Nhiều nơi, các tổ chức, đoàn thể dựa vào uy tín với người dân đã đứng ra gom ruộng rồi giao lại cho doanh nghiệp thuê. Bằng cách làm này, huyện Gia Lộc đã xây dựng được 7 mô hình tích tụ ruộng đất. Từ đó, các mô hình trồng hoa, rau màu theo hướng công nghệ cao được hình thành tại các xã: Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Liên Hồng...

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tích tụ ruộng đất đã manh nha những mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều đơn vị thuê đất đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại nhất vào sản xuất. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, đến nay, toàn tỉnh đã có 28 mô hình tích tụ ruộng đất. Đây là cơ sở bước đầu để NNCNC hình thành và phát triển.

Khi liên kết "2 nhà" thiếu bền vững, nông dân và doanh nghiệp mất niềm tin ở nhau, sản xuất NNCNC khó có thể thực hiện thì chính quyền không thể đứng ngoài cuộc mà phải là chất xúc tác để thắt chặt mối quan hệ này. Để giải bài toán về giá trị nông sản, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân sản xuất, các cơ quan chuyên môn của huyện Cẩm Giàng còn là đầu mối trung gian gắn kết người dân với doanh nghiệp. Ông Vương Đức Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Huyện luôn quan tâm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ban đầu là hợp tác bao tiêu sản phẩm, lâu dần mở rộng sản xuất sạch theo hướng hữu cơ và áp dụng công nghệ cao. Từ nền tảng liên kết sản xuất ngô ngọt, cà rốt bền vững ở xã Đức Chính, huyện tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản bằng việc thực hành sản xuất hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới tại xã Cẩm Định. Nếu thành công, huyện sẽ nhân rộng những mô hình NNCNC".

Nông dân chưa đồng thuận là do lợi ích của họ chưa được bảo đảm. Sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn sẽ tháo gỡ những vướng mắc của người dân. Trong điều kiện sản xuất mới, không thể áp dụng phương pháp canh tác cũ. Chỉ có thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thoát khỏi tư duy tiểu nông trước kia thì ngành nông nghiệp mới có thể phát triển.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Bài 2: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm