Áp dụng công nghệ cao là con đường tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ bê nguyên mô hình của nước ngoài áp dụng vào tình hình thực tế sản xuất trong nước.
Theo các nhà quản lý, một hướng đi cụ thể, với những giải pháp mạnh thay vì cách làm chung chung, hô hào như hiện nay mới có thể định hình nền sản xuất hơi hướng công nghệ cao một cách rõ nét.
Cần có tiêu chí cụ thể
Với tham vọng hình thành nhiều vùng sản xuất có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020. Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời của đề án là cần thiết, nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dự thảo đề án đã đưa ra 4 tiêu chí chung cho CNC trong nông nghiệp, bao gồm các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, về tiêu chí kỹ thuật là có trình độ công nghệ tiên tiến được tạo ra trong nước hoặc nhập từ nước ngoài để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng. Với tiêu chí kinh tế thì sản phẩm do ứng dụng CNC trong nông nghiệp tạo ra có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng và có sức cạnh tranh trên thị trường
Theo Đề án phát triển NNCNC của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh có ít nhất 10 doanh nghiệp, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.
Tham vọng thì lớn nhưng để đạt được điều đó lại không hề đơn giản. Vì vậy, đại diện các bộ, ngành đều cho rằng, cần phải đề ra tiêu chí cụ thể hơn nữa, ví dụ sản phẩm NNCNC cần những tiêu chí gì, có tiêu chí riêng dành cho doanh nghiệp NNCNC, khu NNCNC, vùng NNCNC. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thắng nhấn mạnh, quy hoạch cũng là giải pháp quan trọng cần được lưu ý đầu tư để từ đó có được những ngành phụ trợ khác phục vụ cho NNCNC.
Từ những bất cập của việc triển khai mô hình NNCNC thời gian qua, ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, chúng ta nên khuyến khích những công nghệ cao vừa đi vào những sản phẩm có tính hàng hoá lớn, tập trung như vùng vải, thanh long, càphê, thuỷ sản xuất khẩu...
Theo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, để NNCNC phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần lưu ý tránh tình trạng định hướng chung chung. Đề án phải xác định rõ chủ thể thực hiện, phải tính đến từng đối tượng cụ thể như người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực này như thế nào. Ngoài ra, còn phải tính đến mô hình tổ chức sản xuất liên kết, đầu tư có tiêu chí cụ thể và giải pháp đồng bộ để có được sản phẩm NNCNC.
Bắt đầu từ thay đổi phương thức sản xuất
Trong khi đó, với kinh nghiệm đã từng triển khai một dự án NNCNC hoành tráng, ông Phan Minh Nguyệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và PTNN Hà Nội (Hadico) cho rằng, phát triển NNCNC phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Là đơn vị đầu tiên thực hiện NNCNC ở Hà Nội nên có nhiều hạn chế chỉ người trong cuộc mới hiểu. Để đầu tư cho 1ha cần khoảng 10-15 tỉ đồng/năm, rất tốn kém. Thứ nữa là vấn đề thị trường. Ngoài ra, yếu tố con người cũng chưa đáp ứng được về trình độ”.
Trên thực tế, khu NNCNC do Hadico đầu tư, xây dựng từ năm 2004 đến nay hầu như không còn hoạt động. Hệ thống nhà kính hoành tráng ngày nào đang bị nắng gió làm cho hoen gỉ và đơn vị này đang chuẩn bị di dời khu nhà kính về Tây Tựu (Từ Liêm) để nhường chỗ cho những dự án khác.
Trung tâm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng là đơn vị thứ hai nhập khẩu công nghệ trọn gói của Israel sau Hadico, với tổng vốn đầu tư trên 22,5 tỷ đồng. Nhưng thực tế hiệu quả hoạt động không cao.
Từ hoạt động của 2 mô hình NNCNC được xem là hoành tráng nhất miền Bắc, các nhà khoa học cho rằng, chúng ta không thể làm NNCNC theo kiểu nhập “nguyên đai nguyên kiện” công nghệ của nước ngoài trong điều kiện nền nông nghiệp chưa thoát khỏi sự manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống phân phối chưa hoàn chỉnh và các ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Đấy chính là lý do vì sao các khu NNCNC vừa mới “trống dong cờ mở” khai trương đã vội “ra đi” trong lặng lẽ. Sự kỳ vọng để tạo một bước “đại nhảy vọt” cho ngành nông nghiệp đã không thành hiện thực khi hàng đoàn nông dân đến tham quan đều phải mê mẩn trước hệ thống nhà kính sáng loáng, nhưng để áp dụng vào thực tế sản xuất thì ai cũng “lắc đầu lè lưỡi” vì vốn đầu tư quá sức tưởng tượng của họ. Rõ ràng, nhập khẩu nguyên công nghệ của một đất nước có nền sản xuất hiện đại vào loại bậc nhất thế giới áp dụng vào nền nông nghiệp còn lạc hậu của nước ta là một sự khập khiễng quá mức, và không thể tạo được bước đột phá.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh của nền nông nghiệp nước ta hiện nay, việc đầu tiên đặt nền tảng cho những mô hình NNCNC nở rộ là phải thay đổi phương thức sản xuất, phải hình thành tư duy làm ăn kiểu công nghiệp không chỉ của nông dân mà trong cả nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý; tránh tình trạng nhận dự án đầu tư theo kiểu bao cấp, xây mô hình hoành tráng để rồi khi dự án rút đi, nó chỉ còn là đống hoang tàn.
Bên cạnh đó, phải tập dượt nông dân tiếp cận những yêu cầu kỹ thuật, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn so với lối canh tác phổ thông hiện nay, góp phần tạo ra những mặt hàng có chất lượng cao hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong nước rồi xuất khẩu. Khi trình độ đã khá hơn, khi nhu cầu những sản phẩm NNCNC thực sự thúc bách, tất yếu người dân cũng như những doanh nghiệp sẽ biết cách áp dụng một cách hiệu quả. Thực tế một số mô hình NNCNC của nông dân triển khai thành công đã chứng minh cho điều đó.
(Theo Kinh tế nông thôn)