Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

27/10/2015 09:14

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những việc quan trọng để tái cơ cấu nông nghiệp, tạo sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.



Nông dân học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm


Khởi động

Đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng khu trồng trọt trong nhà lưới, anh Phạm Văn Quyết ở thôn Phú Triều, xã Liên Hồng (Gia Lộc) đã tạo ra những nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mặc dù khu nhà lưới chỉ rộng vài chục m2 nhưng nhờ tích cực luân canh, tăng vụ nên mùa nào thức ấy, anh Quyết có nông sản bán quanh năm. Anh Quyết cho biết: “Nhà lưới là một ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. Nếu như canh tác truyền thống, nông dân phải một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì trồng trong nhà lưới nông dân nhàn hơn hẳn, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu. Cây trồng không phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên lại ít sâu bệnh nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều”.

Đưa nhà lưới vào đồng ruộng là một trong những nét mới trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta thời gian qua. Toàn tỉnh hiện có 8 nhà lưới, trong đó có 5 nhà lưới do tư nhân tự đầu tư, còn lại do các đơn vị nghiên cứu đưa vào ứng dụng. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Thời gian qua, tỉnh ta chưa hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) quy mô lớn nhưng nhiều địa phương đã định hình một số vùng sản xuất theo hướng này. Ở các vùng chuyên canh rau màu, nông dân đã tự đầu tư hệ thống tưới tự động, đưa cơ giới vào sản xuất, thậm chí bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm nhà màng, nhà lưới công nghệ đơn giản. Hiện nay, ở các vùng rau gia vị xã Phạm Kha (Thanh Miện), vùng trồng cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng), nông dân đã xây dựng hệ thống tưới tự động, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây. Đó là những bước khởi động đầu tiên để sản xuất NNCNC.

Phát huy lợi thế

Theo Đề án phát triển NNCNC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh sẽ có từ 1-2 khu NNCNC, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, Hải Dương đã xác định rõ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn liền với đổi mới phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Nông sản sẽ được ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến bảo quản… Điều đó cho thấy, tỉnh đã xác định NNCNC là mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.


Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ)
đang triển khai có hiệu quả mô hình trồng hoa lan

Hải Dương là một tỉnh có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh quy mô lớn. Một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa. Sau dồn điền, đổi thửa mỗi hộ chỉ còn từ 1-2 thửa ruộng. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng hoàn thiện, máy móc được đưa nhiều hơn vào đồng ruộng. Đây là cơ hội để phát triển NNCNC. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sản xuất NNCNC ở tỉnh ta chưa nhiều và chưa bài bản. Mô hình NNCNC ở nhiều nơi chủ yếu mới chỉ bước đầu đầu tư xây dựng hạ tầng để phục vụ sản xuất. Với những lợi thế có sẵn, sản xuất NNCNC ở tỉnh ta vẫn đang chờ chủ trương và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp, các ngành trong thời gian tới. Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng: "Phát triển NNCNC không có nghĩa là chúng ta bê nguyên mô hình của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất mà cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế sản xuất. Để xây dựng NNCNC, thời gian tới tỉnh có thể lựa chọn xây dựng mô hình này ở những vùng chuyên canh, vùng sản xuất tập trung. Ở đó nông dân đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất, đã hình thành được liên kết 4 nhà, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và có thị trường tiêu thụ ổn định. Tới đây, Sở Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ lựa chọn vùng sản xuất rau an toàn ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) để đầu tư xây dựng vùng sản xuất NNCNC".

Sản xuất nông nghiệp an toàn là điều kiện cần thiết để phát triển NNCNC. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP đã được tỉnh ta quan tâm. Nông dân đã chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Theo tiến sĩ Đào Xuân Thảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thì Hải Dương có nhiều lợi thế để phát triển NNCNC. Thời gian qua, cùng với nghiên cứu các giống cây trồng mới, các kỹ sư của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất NNCNC. Nông dân Hải Dương hoàn toàn có thể sản xuất NNCNC khi được sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước.

NNCNC là "chìa khóa vàng" để phát triển nông nghiệp của tỉnh ta trong thời gian tới. Sản xuất NNCNC không chỉ giúp cung ứng nông sản tốt cho người dân trong tỉnh và nhiều vùng lân cận mà còn góp phần đưa nông sản Hải Dương đến nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp tỉnh ta, nhất là NNCNC.

Để phát triển NNCNC, thời gian tới, tỉnh cần có chính sách nhất định để khuyến khích xây dựng mô hình này. Ngoài tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tỉnh cũng cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng mối liên kết "4 nhà" bền chặt. Tiếp tục ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhiều hơn vào sản xuất, xây dựng những mô hình điểm theo hướng NNCNC làm cơ sở để phát triển thành vùng sản xuất NNCNC quy mô lớn. 

HIỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển nông nghiệp công nghệ cao