Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tập trung vào 3 khâu đột phá lớn

02/10/2011 07:00

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

Ngày 1-10, ngày làm việc cuối cùng phiên họp thứ 2 Uỷ ban Thường vụ Quôc hội khoá XIII, các đại biểu nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2011; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.

Sáng 1-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015 cho biết năm 2011 Chính phủ tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn đinh kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Trong năm 2011 và vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 không quá chú trọng mục tiêu tăng trưởng GDP nhằm tránh tạo ra lạm phát cao. 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2011 về ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát thực hiện tiết kiệm chi tiêu, cắt giảm 3.857,8 tỷ đồng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nghiệp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm mức khoán thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức chứng khoán được chia, chuyển khoản, miễn thuế thu nhập cá nhân. Tổng số vốn cắt giảm, điều chuyển từ các dự án là 81.500 tỷ đồng. Nhờ đó có thêm 1.053 dự án hoàn thành trong năm 2011. Uớc tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 866.000 tỷ đồng bằng 34,5%GDP, số vốn này giảm nhiều so với năm trước là do chủ động cắt giảm vốn đầu tư của nhà nước để kiềm chế lạm phát, mặt khác doanh nghiệp giảm đầu tư hoặc tìm cách bảo toàn vốn.

Vốn FDI 9 tháng ước đạt 8,2 tỷ USD tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2010. Vốn đăng ký mới có 675 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tưu đăng ký mới trên 8,23 tỷ USD; tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt trên 9,9 tỷ USD. Ước thực hiện cả năm 2011, phần  góp vốn của nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD. Vốn ODA giải ngân đạt 2.150 triệu USD bằng 89,6% kế hoạch năm. Ước cả năm 2011 phần góp vốn nước ngoài đạt khoảng 3.650 triệu USD tăng 3,1% so với năm 2010.

Từ đánh giá phân tích tình hình 9 tháng đầu năm và dự kiến kết quả thực hiện 4 tháng cuối năm trong các ngành, lĩnh vực, ước thực hiện các các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2011 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 5,8-6%, chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 7-7,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 31,6%, chỉ tiêu Quốc hội 10%; tỷ lệ nhập siêu 10,5%, chỉ tiêu Quốc hội không quá 18%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 34,5%, chỉ tiêu Quốc hội 34,5%; chỉ số giá tiêu dùng khoảng 18%, chỉ tiêu Quốc hội không quá 7%; tạo việc làm 1,54 triệu người, chỉ tiêu Quốc hội…

Trong tổng số 22 chỉ tiêu kế hoạch 2011, có 6 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số xã đạt các chỉ tiêu nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo và chỉ tiêu tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Trên cơ sở đánh giá tình năm 2011, dự báo tình thế giới và trong nước, Chính phủ dự kiến mục tiêu và các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015). Theo đó, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tạo sự chủ động tiến tới ổn định vững chắc vào năm 2013.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược và bám sát12 định hướng lớn trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 năm.

Ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm 5 năm tới là bổ sung, sửa đổi Hiến pháp tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao; Tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về kinh tế-xã hội, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 5 năm. Theo kịch bản 1, tốc độ GDP 5 năm khoảng 6,5% năm, kịch bản 2 dự kiến đạt 7%.

Uỷ ban Kinh tế tán thành với kịch bản tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Về chỉ số giá tiêu dùng, các ý kiến cho rằng, lạm phát năm 2011 rất cao nên năm 2012 phải kiểm soát bằng được CPI tăng ở mức 1 con số nhằm tăng lòng tin xã hội, từ đó mới có cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô nâng cao chất lượng tăng trưởng những năm sau. Đề nghị Chính phủ cụ thể một số chỉ tiêu như tăng trưởng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chỉ số giá tiêu dùng, nợ Chính phủ…

Uỷ ban Ngân sách đề nghị kế hoạch 5 năm tới cần cơ cấu lại thu chi ngân sách một cách có hiệu quả. Cụ thể, đưa nguồn vốn Chính phủ vào trong cân đối NSNN hàng năm, băt đầu từ năm 2013; Chi ngân sách phải tính toán dựa trên khả năng thu, cần xây dựng một khuôn khổ chi tiêu trung hạn từ 3-5 năm, trong đó xác định một trần chi tiêu; Tập trung nguồn lực cho 15 Chương trình quốc gia mục tiêu đã xác định; Quan tâm hơn đến nông nghiệp, nông  thôn, giao chỉ tiêu cụ thể tăng mức đầu tư hàng năm theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ cần tập trung thực hiện là: Nhóm nhiệm vu, giải pháp thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; nhóm nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội;  nhóm thứ 3 là thực hiện các khâu đột phá chiến lược và cuối cùng nhóm nhiệm vụ, giải pháp xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Báo cáo thẩm tra cũng kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thông qua 12 nhóm chỉ tiêu đề xuất của Báo cáo thẩm tra. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm bình quân 7%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9%/năm năm 2011 là 17-18%, năm 2012 tăng ở mức 1 con số, năm 2013-2014 dưới 6% và năm 2015 dưới 5% (Chính phủ đề nghị năm 2015 đạt dưới 7%); Kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu và không quá 5 tỷ USD vào năm 2015 (Chính phủ đề nghị khoảng 10% theo kịch bản 1 và dưới 13% theo  kịch bản 2); Bội chi NSNN tính theo thông lệ quốc tế và phấn đấu dưới 5% vào năm 2015 (Chính phủ đề 4,5%/năm vào năm 2015); Tỷ lệ huy động vào ngân sách không quá 24% GDP/năm (Chính phủ đề nghị bình quân 5 năm khoảng 25% GDP); Nợ Chính phủ đến năm 2015 không vượt quá 50% GDP, nợ công không quá 65% GDP (Chính phủ đề nghị không quá 55% GDP, nợ công quá 65% GDP).

Chiều 1-10, Ủy ban Quốc hội tiếp tục làm việc cho ý kiến về các nội dung nói trên.

Đỗ Hưng(VOV)

(0) Bình luận
Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tập trung vào 3 khâu đột phá lớn