Phát triển khoa học để thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

27/10/2020 17:02

Báo điện tử Hải Dương đăng toàn văn tham luận của đồng chí Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.


Đồng chí Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham luận tại Đại hội

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI trình trước Đại hội; nhất trí cao với các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để bổ sung, minh họa, làm rõ hơn một số nội dung về phát triển khoa học và công nghệ được nêu ra trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, sau đây chúng tôi xin tham luận về nội dung: “Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà nền tảng của nó là công nghệ số, công nghệ Internet kết nối vạn vận (IoT), trí tuệ nhân tạo (AL), dữ liệu lớn (Big Data) đang diễn ra một cách nhanh chóng và rộng khắp trên toàn thế giới. Sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều đột phá trong các lĩnh vực như công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ thông minh đã tạo ra sự thay đổi về chất của lực lượng sản xuất, sự biến đổi sâu sắc mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, khu vực trên thế giới; nó mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đem đến nhiều thách thức đối với mỗi nền kinh tế, thể chế chính trị khác nhau. Do vậy chúng ta phải từng bước đổi mới để thích ứng nhanh với sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại 4.0

Trong những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã tạo được nền tảng cơ bản để đất nước ta có thể tiếp cận và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khẳng định được vị trí, vai trò không thể thiếu của khoa học và công nghệ, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của mọi ngành, mọi lĩnh vực. Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ luôn được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; cơ chế quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong hoạt động dịch vụ, xây dựng phát triển thành phố thông minh thân thiện môi trường và mọi mặt đời sống của nhân dân. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh hướng tới doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế nước ta. Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói riêng đã được quan tâm triển khai thông qua các đề tài, dự án có giá trị thực tiễn và thương mại hóa cao, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới.

Nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ đã được thành lập và phát triển nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bước đầu đã phát triển và có sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ ngày một tăng trưởng và lớn mạnh, số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng nhanh đã thúc đẩy hoạt động chuyển giao và tiếp nhận công nghệ trong các doanh nghiệp, khu vực sản xuất kinh doanh; thị trường khoa học và công nghệ được đẩy mạnh với nhiều hình thức khác nhau, góp phần tích cực vào việc chuyển giao nhanh những thành tựu khoa học và công nghệ vào trong thực tiễn cuộc sống.

Hoà cùng dòng chảy chung của cả nước, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng đã được quan tâm, đầu tư nhằm tạo lập môi trường và nền tảng cần thiết cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại đã nhanh chóng được chuyển giao, nhân rộng trong thực tế, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá của các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đưa giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng bình quân 1,8%/năm, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2020 đạt 156,2 triệu đồng; giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tăng bình quân 16,7%/năm; quy mô ngành công nghiệp tăng 2,2 lần so với năm 2015; giá trị sản xuất của ngành xây dựng tăng 12,2%/năm và ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm.

Các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông minh đã được áp dụng kịp thời trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân và trong các hoạt động quản lý, giám sát môi trường, đất đai, giao thông của tỉnh. Hoạt động chuyển giao, tiếp nhận công nghệ đã hình thành môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập... đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của đất nước, sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, động lực trong sự phát triển, góp phần làm chuyển biến nhanh hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhưng hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động chuyển giao và ứng dụng công nghệ nói riêng trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số khó khăn và hạn chế sau: 

- Năng lực chuyển giao, tiếp thu công nghệ và đổi mới sáng tạo ở một số khu vực và doanh nghiệp còn chậm; chưa tương xứng và đáp ứng được kịp thời với yêu cầu đổi mới công nghệ đang ngày càng thay đổi nhanh chóng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

- Các doanh nghiệp chưa mặn mà và quan tâm đến chính sách trong hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nhất là đối với các doanh nghiệp tại các địa phương do chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tạo được động lực thực sự cho các doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ. 

- Cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KH&CN chưa được tháo gỡ nhiều, nhất là về thủ tục thanh toán. Cán bộ nghiên cứu khoa học còn bị mất nhiều thời gian làm các thủ tục hồ sơ thanh, quyết toán, nên chưa có nhiều thời gian để toàn tâm, toàn ý cho hoạt động nghiên cứu; chưa khơi dậy, phát huy hết năng lực sáng tạo trong nghiên cứu.

- Nhân lực khoa học và công nghệ đông về số lượng nhưng chưa mạnh, năng lực còn hạn chế, chưa phát huy được tính sáng tạo, năng lực trong nghiên cứu khoa học. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khoa học hoạt động theo cơ chế tự chủ còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết năng lực, hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ.

- Mối liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chưa thật sự chặt chẽ, sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự bám sát với nhu cầu doanh nghiệp. Hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; một số kết quả nghiên cứu chưa thực sự hiệu quả do thời gian nghiên cứu kéo dài không đáp ứng được tính cấp thiết.

- Hoạt động liên kết các địa phương để hình thành chuỗi phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được quan tâm nhiều, nhất là việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ hiện đại.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng xã hội, các chuẩn mực, giá trị và các trật tự đều có thể được công nghệ làm biến đổi khôn lường. Vì vậy, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là vấn đề quan trọng, không thể thiếu để nắm bắt và tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Hoạt động khoa học và công nghệ đang đứng trước những cơ hội và thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, để nước ta có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ. Muốn vậy, chúng ta cần phải có những cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp cho hoạt động khoa học và công nghệ, đó là:

Một là, cần có cơ chế đặc thù về tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ. Vì hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ có tính rủi ro cao, nhưng hiệu quả mang lại là vô cùng to lớn. Một cơ chế về tài chính phù hợp sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhất là đối với các doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ tương xứng với vai trò, vị trí của nó gắn với định hướng phát triển theo chiều sâu. Đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ cho các cơ sở nghiên cứu, các trường Đại học, đơn vị tiếp nhận chuyển giao công nghệ gắn với hợp tác quốc tế và thị trường công nghệ để tiếp cận và tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ cao, hiện đại từ nước ngoài và chuyển giao công nghệ cho nước ngoài. Có chính sách phù hợp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là đối với các doanh nghiệp là đối tượng trọng tâm hướng tới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng thời lựa chọn công nghệ phải phù hợp với nguồn lực hiện có và nguồn vốn huy động. 

Ba là, tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: công nghệ số, công nghệ Internet vạn vật kết nối, công nghệ thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ in 3D… nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, chuyển giao và phát triển khoa học công nghệ thích ứng nhanh với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn là, đào tạo phát triển nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa gắn với đào tạo nghề, khẳng định rõ vai trò của khoa học và công nghệ trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước để có thể thích ứng và cạnh tranh bằng trình độ, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, có chiến lược đầu tư đúng đắn về con người và trọng dụng nhân tài để khơi dậy, phát huy trí tuệ, năng lực, sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt. 

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển thị trường công nghệ để nắm bắt, tiếp nhận chuyển giao kịp thời các công nghệ mới nhất, hiện đại từ nước ngoài và đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong nước.

Sáu là, các địa phương, các ngành, các đơn vị cần quan tâm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng những thành tựu khoa học và công  nghệ mới và quán triệt thực hiện nhất quán chủ trương “Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Trên đây là một số ý kiến tham luận về “Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” của Sở Khoa học và Công nghệ. Cuối cùng tôi xin kính chúc các vị đại biểu khách quý và toàn thể đại biểu tham dự Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

PHẠM VĂN MẠNH
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

(0) Bình luận
Phát triển khoa học để thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0