Phát triển giáo dục theo quy luật cung - cầu

04/11/2012 13:47

Đảng ta đã có quyết tâm thay đổi toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà. Vấn đề là thay đổi thế nào.


Mâu thuẫn cơ bản của nền giáo dục nước ta những năm qua là mâu thuẫn cung - cầu. Cầu của người dân, của xã hội, của đất nước thì rất lớn, rất đa dạng, nhưng cung của hệ thống giáo dục thì rất kém, rất đơn điệu và áp đặt. Đây là mâu thuẫn cơ bản vì từ đó nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn khác.

Nguyên nhân của bất cập nêu trên mang tính hệ thống. Đó là do cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tràn lan, cào bằng, duy ý chí trong vận hành nền giáo dục. Từ đó nảy sinh ra mâu thuẫn cung - cầu và nhiều hệ lụy khác. Giáo dục hiện nay bị tha hóa bởi cơ chế vận hành không phù hợp.

Để khắc phục những khuyết điểm của nền giáo dục cần vận dụng giải pháp mà toàn Đảng, toàn dân ta đã làm với kinh tế, với nông nghiệp. Đó là phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tràn lan, cào bằng, duy ý chí bằng việc phát triển giáo dục theo cơ chế thị trường.

Nhiều tiêu cực, tham nhũng, bất cập của hệ thống giáo dục sẽ được khắc phục trong thị trường giáo dục lành mạnh. Nhà nước chỉ nên duy trì trường công lập ở giáo dục mầm non, phổ thông  ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn và một bộ phận nhỏ ở các vùng khác. Chỉ duy trì trường công lập ở những loại hình đặc biệt do không phát triển được dịch vụ giáo dục khác như trường cho đối tượng khuyết tật, con em vùng khó khăn. Nhà nước không nên cấp tiền cho hiệu trưởng như kiểu hiện nay mà chỉ cấp tiền cho trường có nhiều học sinh lựa chọn hoặc cấp cho người đi học. Phần lớn các trường cần được "cổ phần hóa", trở thành cơ sở dịch vụ giáo dục. Nhà nước đưa ra các tiêu chuẩn của người được mở trường và quy định hành lang pháp lý cho các trường hoạt động. Không thể để người không có hiểu biết về giáo dục được mở trường dạy học. Chỉ có thị trường trong khuôn khổ quản lý của Nhà nước mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng về giáo dục của nhân dân. Nền giáo dục bao cấp không thể đáp ứng được.

 Người nghèo, con gia đình chính sách được Nhà nước cấp tiền để nộp học phí. Người giàu thì tự lo học phí cho con mình. Họ học ở đâu là do họ chọn. Họ có quyền đề nghị nhà trường “dạy cho con tôi cái này, cái kia”. Trường kém sẽ bị thị trường loại bỏ trước khi Nhà nước ra tay. Trường tốt thì phát triển lấn át trường xấu. Nhà giáo tốt sẽ được thị trường trọng dụng như cầu thủ tốt, nhà giáo kém bị thị trường, bị người học loại bỏ. Nền giáo dục bao cấp rất khó sàng lọc, loại bỏ nhà giáo kém, nhà giáo thoái hóa biến chất. Không thể để tình trạng trường của nước, của dân, kinh phí Nhà nước cấp mà ông hiệu trưởng có quyền tự chủ quá lớn, lại hầu như không phải chịu trách nhiệm khi nhiều mặt đi xuống. Đó còn là một kẽ hở cho tham nhũng.

Nếu phát triển thị trường giáo dục với sự quản lý tốt của Nhà nước thì nhiều căn bệnh hiện nay sẽ tiêu biến. Nhiều người giàu không phải cho con du học để bở béo thêm cho các nước giàu và đất nước khỏi mất nhiều ngoại tệ du học như hiện nay. Vấn nạn chạy trường sẽ chấm dứt.

 Giáo dục ở nhiều nước trên thế giới đương nhiên là lĩnh vực dịch vụ. Các trường học của Anh, Mỹ, Ô-xtrây-li-a sang ta mở trường tư vì yêu nước ta chăng? Không phải. Đó là họ làm dịch vụ giáo dục. Họ được lợi nhuận, người học được hưởng thứ giáo dục mà họ cần. Nếu ta không chủ động phát huy và nắm lấy thị trường giáo dục thì bản thân nó vẫn tồn tại. Ta nhường sân ấy cho các doanh nhân nước ngoài để họ chiếm lĩnh. Còn nền giáo dục của ta thì bế tắc và hệ lụy là rất nghiêm trọng.

Có rất nhiều vấn đề cần bàn để làm rõ, để chỉ ra hướng đi mới cho giáo dục. Riêng đối với giáo dục phổ thông, tôi xin nêu ba ý kiến.

Thứ nhất, về chương trình thì Nhà nước chỉ quy định mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ một cách cơ bản, phổ thông, tinh giản, không nặng nề như hiện nay. Chỉ quy định 60% phần “cứng” còn 40% phần “mềm” do địa phương, do dân yêu cầu. Cần xác định rõ các kiến thức kỹ năng (trong đó có kỹ năng sống), thái độ trong bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của từng lớp, từng loại trường.

Thứ hai, về phương pháp giáo dục, phải quán triệt quan điểm khoa học ba con đường giáo dục: con đường dạy học (không phải dạy như hiện nay), con đường lao động sản xuất và con đường hoạt động thực tiễn. Hiện nay, chúng ta không làm theo ba con đường ấy mà hầu như chỉ có một con đường dạy học nhưng dạy học lại có nhiều vấn đề không đúng, không tốt.

Thứ ba, về kiểm định chất lượng giáo dục, cần có cơ quan chuyên kiểm định chất lượng theo đúng mục tiêu chất lượng đề ra. Phải kiểm định cả kiến thức, kỹ năng, cả thái độ của người học. Công việc kiểm định phải làm kỹ, làm cụ thể với từng người học. Cuối cấp phải được kiểm định một cách khách quan, kỹ càng, có thể phải chịu tốn kém. Hiện nay, học sinh học xong không biết làm gì là do chỉ học vẹt (không có thực hành), người dạy và các cơ quan kiểm định không kiểm định về kỹ năng và thái độ của người học (chúng ta đang làm giống như kiểm định con voi thì chỉ đo mỗi cái chân to hay bé). Một trong những phi lý hiện nay là học hết cấp không có thi, học hết THPT thì thi theo kiểu “kiểm định voi”. Nhiều trường THCS, trường chuyên nghiệp, trường đại học đào tạo kém rồi cấp bằng rởm nhưng không bị xử lý. Cần coi kiểm định chất lượng là công cụ quan trọng để công nhận tốt nghiệp, để cấp bằng, không thể dựa vào thi như hiện nay để cấp bằng.

Hiện nay là thời điểm chúng ta cần bàn luận, tham gia ý kiến về việc đổi mới giáo dục một cách toàn diện theo chỉ đạo của Đảng.

TRẦN VĂN KHÁI

(0) Bình luận
Phát triển giáo dục theo quy luật cung - cầu