Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế, thời gian qua, ngành dịch vụ của Hải Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hình thành một số loại hình dịch vụ tiện ích, chất lượng cao.
Hệ thống các siêu thị hiện đại góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân
Nhiều gam màu tươi sáng
Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ đạt 6%/năm. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhận định thời gian qua, xu hướng kinh doanh trên các trang mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử được các tổ chức, cá nhân tận dụng triệt để. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.500 đơn vị hoạt động giao dịch thương mại điện tử, tăng khoảng 55% so với năm 2015.
Các mô hình dịch vụ hiện đại thông qua chuỗi cửa hàng tự chọn, siêu thị chuyên doanh phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng bình quân 13%/năm. Nổi bật là chuỗi 28 cửa hàng tiện ích thuộc hệ thống Vinmart + (Công ty CP Tập đoàn Masan), nhiều siêu thị chuyên doanh như Thế giới di động, Điện máy Xanh, Media Mart, FPT Shop… cùng hàng loạt mô hình cửa hàng tự chọn của các hộ kinh doanh cá thể trong tỉnh.
Hạ tầng kỹ thuật các khu chợ dân sinh được tập trung đầu tư, nâng cấp. Giai đoạn 2016-2020, Hải Dương đã dành trên 17 tỷ đồng để cải thiện hạ tầng cho gần 30 chợ dân sinh. Cùng sự phát triển của thương mại điện tử và các chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống chợ dân sinh là chân kiềng thứ ba giúp dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển vượt bậc.
Lĩnh vực thông tin và truyền thông Hải Dương những năm qua cũng phát triển nhanh. Năm2016, Hải Dương hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động công nghệ 3G, 4G với trên 3.000 trạm thu phát sóng cùng nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ internet, truyền hình cáp, truyền hình trả tiền, truyền hình kỹ thuật số. Hệ thống “một cửa điện tử” và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương đã được đưa vào sử dụng thống nhất tại tất cả 18 sở, ban, ngành, 12 huyện, thị xã, thành phố, 235 xã, phường, thị trấn. Trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đang cung cấp gần 2.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Một thành tố khác đóng góp vào bức tranh phát triển dịch vụ chung là lĩnh vực du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020, kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại. Lượng khách du lịch tăng bình quân 8,4%/năm, góp phần tạo việc làm cho trên 7.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp khác.
Giai đoạn 2016-2020, các lĩnh vực dịch vụ y tế, tài chính ngân hàng cũng tăng trưởng khá.
Động lực phát triển từ hạ tầng và chuyển đổi số
Trong chiến lược phát triển tới năm 2030, Hải Dương phấn đấu sẽ phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ chất lượng cao; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Ngoài tiềm năng để phát triển những ngành dịch vụ như tài chính-ngân hàng, du lịch, bán lẻ… phát triển dịch vụ chất lượng cao tại Hải Dương đã và đang được tiếp thêm động lực từ những thành tố mới.
Trong 5 năm qua, Hải Dương đã có sự phát triển nhanh chóng về kết cấu hạ tầng giao thông. Tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, tạo động lực liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Đây là tiền đề quan trọng giúp dịch vụ logistics phát triển.
Sự nỗ lực cũng như những hành động cụ thể của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số đang mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành dịch vụ nói chung, lĩnh vực dịch vụ số nói riêng. Khát vọng xây dựng đô thị thông minh đã thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng như trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Cụ thể nhất là xây dựng và triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong tương lai, người dân sẽ dần được tiếp cận những dịch vụ số tiện ích trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông…
Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ tại Hải Dương còn khiêm tốn. Để trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài, Hải Dương đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn.
HÀ KIÊN