Sân khấu không chuyên có sức sống nội tại mãnh liệt, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.
Vở tuồng "Ngọn lửa Hồng Sơn" của huyện Cẩm Giàng trong liên hoan sân khấu không chuyên tỉnh năm 2014
Tuy nhiên để phát huy tác dụng hơn nữa, loại hình này cần nhận được sự quan tâm thỏa đáng.
Gần gũi, thiết thựcNam Sách là cái nôi của nghệ thuật chèo truyền thống, bởi vậy phong trào sân khấu không chuyên ở đây phát triển khá mạnh. 19 xã, thị trấn của huyện đều có đội văn nghệ, là nòng cốt của sân khấu không chuyên ở cơ sở. Diễn viên, nhạc công của các đội là giáo viên, diễn viên các đoàn văn công đã nghỉ hưu, hoặc những người nông dân đam mê văn nghệ. Có những đội chèo truyền thống mấy mươi năm hoạt động như Nam Hưng, An Bình… từng đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi. Trên địa bàn huyện cũng hình thành đội ngũ tác giả chuyên viết kịch bản cho sân khấu không chuyên như: Ngọc Phúng, Bá Đề, Đăng Bẩy, Tống Ngọc Ban… Sự phát triển của sân khấu không chuyên ở Nam Sách đã góp phần bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống, phục vụ hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội tại địa phương, nhất là tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội. Điểm nhấn là vở chèo “Mở đường” tuyên truyền cho phong trào xây dựng nông thôn mới được dựng vào năm 2013. Anh Mạc Quốc Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Nam Sách cho biết: "Vở diễn quy tụ 20 diễn viên không chuyên của đội văn nghệ các xã Nam Hưng, An Bình và Hợp Tiến. Vở được biểu diễn ở 19 xã, thị trấn trong huyện, thu hút một lượng lớn khán giả đến xem, cổ vũ. Thông qua vở diễn, người dân hiểu và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới". Vở diễn này của huyện Nam Sách đã giành giải A tại Hội diễn Sân khấu không chuyên tỉnh năm 2014.
Đội kịch nói của phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) được thành lập từ đội văn nghệ cơ sở có 10 diễn viên không chuyên, bao gồm những người có năng khiếu văn nghệ ở các khu dân cư và một số cán bộ phường. Từ khi lập ra, đội đã đảm nhiệm các chương trình văn nghệ phục vụ cho các hoạt động văn hóa, kỷ niệm của địa phương. Hằng năm, đội xây dựng các tiểu phẩm tham dự các kỳ liên hoan văn nghệ, hội diễn sân khấu không chuyên của TP Hải Dương. Năm 2014, tại Hội diễn sân khấu không chuyên TP Hải Dương, đội kịch nói của phường đoạt giải nhì cùng 6 giải cá nhân. Ông Lê Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Thanh Nghị cho biết: "Các vở diễn của đội đều được dựng trên những sự việc diễn ra tại phường, gần gũi, thiết thực. Chẳng hạn như kịch về sử dụng rau sạch, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, biển đảo… nên nhận được sự quan tâm của người dân, có tác dụng tuyên truyền cao. Bởi vậy, mỗi khi đội của phường đi diễn, cán bộ và các tầng lớp nhân dân đến xem, cổ vũ rất đông.
Theo thống kê của Trung tâm Văn hóa tỉnh, toàn tỉnh hiện có 617 đội chèo, trên 100 đội kịch nói, ngoài ra còn các đội văn nghệ đặc thù như tuồng, múa rối nước, ca trù. Sân khấu không chuyên phổ biến dưới dạng những câu lạc bộ sân khấu, đội văn nghệ tự thành lập hoặc được địa phương hỗ trợ để phục vụ cho các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, kỷ niệm của địa phương.
Cần quan tâm hơn Nhận rõ vai trò của sân khấu không chuyên, trong những năm qua, ngành văn hóa đã có những giải pháp thiết thực để thúc đẩy phong trào. Cứ 2 năm, ngành lại tổ chức hội diễn sân khấu không chuyên toàn tỉnh hoặc liên hoan văn hóa, văn nghệ các làng, khu dân cư văn hóa. Gần đây nhất, hội diễn sân khấu không chuyên cấp huyện năm 2014 đã thu hút sự tham gia của gần 4.000 lượt diễn viên, nhạc công, trình diễn 131 vở chèo, tuồng, cải lương, 32 vở kịch nói. Hội diễn Sân khấu không chuyên cấp tỉnh năm 2014 thu hút trên 300 diễn viên, nhạc công tiêu biểu của 12 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động trên đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Huyện Nam Sách có phong trào văn nghệ không chuyên phát triển
Sân khấu không chuyên cũng được coi là tiền đề để sân khấu chuyên nghiệp phát triển, là cái nôi cung cấp hạt nhân cho đào tạo diễn viên chuyên nghiệp. Khi sân khấu không chuyên phát triển, công chúng địa phương có điều kiện thưởng thức thường xuyên các loại hình sân khấu truyền thống, từ đó yêu mến, hiểu biết hơn về sân khấu chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, loại hình sân khấu không chuyên những năm gần đây đang kém khởi sắc do chưa được quan tâm thỏa đáng, nhất là cắt giảm số lượng lớp tập huấn các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, ca trù, trống quân… cho các diễn viên không chuyên, in ấn kịch bản sân khấu cho các địa phương. Ông Vũ Công Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: "Nếu trước kia nhiều xã, phường tổ chức được các liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng, sân khấu không chuyên thì nay mỗi kỳ liên hoan chỉ chọn một đơn vị đại diện cho địa phương tham gia. Có địa phương còn không tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ quần chúng, sân khấu không chuyên cấp huyện theo hướng dẫn, quy định của ngành văn hóa. Trước Hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh năm 2014, hai đơn vị Thanh Miện và Chí Linh không tổ chức được liên hoan cấp huyện".
Để sân khấu không chuyên phát triển, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành văn hóa và các địa phương cần tổ chức thêm nhiều hoạt động liên hoan, trình diễn phục vụ công chúng. Căn cứ tình hình thực tế, mở các liên hoan sân khấu chèo, tuồng, ca trù... nhằm tạo thêm sân chơi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên ở cơ sở. Coi trọng giáo dục và mở liên hoan sân khấu học đường nhằm hình thành trong các em tình yêu với nghệ thuật sân khấu truyền thống và sự quý trọng văn hóa dân tộc.
Các địa phương và ngành văn hóa cũng cần tăng mức đầu tư kinh phí cho phát triển văn hóa nghệ thuật quần chúng, nhất là loại hình sân khấu không chuyên. Quan tâm bồi dưỡng, kết nạp những thành viên trẻ tuổi, gây dựng đội ngũ kế cận cho sân khấu không chuyên. Duy trì thường xuyên các lớp tập huấn nghiệp vụ cung cấp kiến thức nghệ thuật cơ bản, xây dựng kịch bản, đề cương để làm tư liệu hướng dẫn các câu lạc bộ, đội văn nghệ cơ sở hoạt động. Nên có các chế độ đãi ngộ, động viên, khen thưởng khích lệ các nghệ sĩ không chuyên, đội ngũ sáng tác, đạo diễn kịch bản sân khấu… Bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ văn hóa cấp xã, lựa chọn những cán bộ có năng khiếu văn nghệ, hiểu biết các loại hình sân khấu, các bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương để gây dựng phong trào.
NGỌC HÙNG