Nếu chúng ta biết vận dụng có hiệu quả quan điểm của nhà bác học Lê Quý Đôn “Tôn tài thì đại thịnh” thì sẽ sớm phát huy được sức mạnh, huy động được sự góp sức của đội ngũ nhân tài cho xây dựng quê hương.
Trong bài “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc, số 411 ra ngày 20.11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Cống hiến của những nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã rõ ràng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có nhân tài và việc sử dụng nhân tài sao cho có hiệu quả nhất. Bằng những việc làm vừa có ý nghĩa trân trọng, vừa mang tính chất bao dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa được rất nhiều trí thức yêu nước trở thành những nhân tài có nhiều cống hiến cho Tổ quốc như: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Nguyễn Khắc Viện... Với quan điểm “dụng nhân như dụng mộc”, Người đã sử dụng các nhân tài đúng sở trường của họ, tạo cho mỗi người những điều kiện cần thiết để phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Người thường nói: “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta".
Đáng tiếc là trong thời gian qua do một số hạn chế về chính sách sử dụng nhân tài nên chúng ta đã để xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám”: 70% số du học sinh Việt Nam không trở về nước sau khi tốt nghiệp; 12 trong tổng số 13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đã ở lại nước ngoài làm việc. Hiện không ít bạn trẻ khi tốt nghiệp ra trường không muốn xin việc trong các cơ quan nhà nước mà đến các công ty nước ngoài hoặc có liên kết với nước ngoài để làm việc. Đáng lưu ý là việc phân bổ, sắp xếp vị trí làm việc cho những người được đào tạo bậc cao cũng còn nhiều bất cập. Trong tổng số 14.000 tiến sĩ đã được đào tạo thì có tới 70% số người tham gia các chức vụ quản lý khác nhau, chỉ có 30% được đi sâu vào công tác chuyên môn. Đó là chưa kể đến sự “ngộ nhận” nhân tài dẫn đến việc cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ quản lý một cách tùy tiện ở không ít cơ quan như báo chí đã phê phán.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chỉ đạt 3,39/10 điểm, trong khi đó Hàn Quốc là 6,91, Ấn Độ là 5,76, Malaysia 5,59, Thái Lan 4,94… Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam lại phân bố không đều, không hợp lý. Hơn 92% số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Bộ tỷ lệ này chưa tới 1%. Vì sao Mỹ trở thành cường quốc, phải chăng do Mỹ đứng đầu thế giới về việc đào tạo và sử dụng nhân tài? Trong số hơn 800 người đã được nhận giải thưởng Nobel thì Mỹ có tới 337 người, chiếm 42,1%. Trong số đó có 24,1% là những công dân từ các quốc gia khác đến Mỹ vì sự hấp dẫn của chính sách thu hút nhân tài.
Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt. Từ xưa đến nay đã có nhiều người tài góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong thời phong kiến, Hải Dương là tỉnh có tới 637 tiến sĩ nho học, nhiều nhất cả nước. Trong 47 người được phong là Trạng nguyên thời đó, riêng Hải Dương có tới 12 người. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Hải Dương đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước như Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 trí thức có danh hiệu và học vị cao, họ là những Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư. Đó là chưa kể đến hàng nghìn thạc sĩ, nghệ sĩ và những chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Vấn đề quan trọng đặt ra là tỉnh đã quan tâm, đầu tư và sử dụng đội ngũ trí thức này như thế nào để họ có thể mang hết tâm huyết, nhiệt tình, khả năng sẵn có phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách trọng dụng người tài để họ có cơ hội được phát triển bản thân, cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp đổi mới. Nếu chúng ta biết vận dụng có hiệu quả quan điểm của nhà bác học Lê Quý Đôn “Tôn tài thì đại thịnh” thì sẽ sớm phát huy được sức mạnh, huy động được sự góp sức của đội ngũ nhân tài cho xây dựng quê hương.
TS. PHẠM TRUNG THANH(TP Hải Dương)