Được rèn luyện trong môi trường có tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao, đảng viên kết nạp trong quân đội xuất ngũ về địa phương là những nhân tố có thể đóng góp tích cực cho các phong trào.
Các địa phương cần giúp đảng viên trẻ sau xuất ngũ phát triển kinh tế tại quê nhà. Trong ảnh: Cẩm Giàng gặp mặt, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ năm 2020
Đóng góp tích cực cho phong trào địa phương
Tháng 7.2014, khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một đơn vị đóng quân ở Bắc Giang, nhờ rèn luyện, phấn đấu tốt, có thành tích tiêu biểu, anh Nguyễn Văn Mạnh ở xã Quang Thành (Kinh Môn) vinh dự được kết nạp Đảng. Xuất ngũ về địa phương, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy tinh thần trách nhiệm, anh Mạnh luôn tích cực tham gia, đi đầu trong các phong trào. Cuối năm 2015, anh Mạnh được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã, anh càng quyết tâm, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ trong các phong trào, hoạt động của địa phương. Nhưng để làm hết trách nhiệm của mình, anh Mạnh phải rất cố gắng mới có thể sắp xếp được công việc. Hiện anh Mạnh vẫn đi làm tự do để không bị gò bó về thời gian, có thể xin nghỉ khi địa phương có công việc. "Thuận lợi của tôi là được rèn giũa trong môi trường quân đội. Thời gian không quá dài nhưng đủ để mình nhận thức được vai trò, trách nhiệm của người đảng viên. Khó khăn với tôi là vừa phải làm tốt công việc chung, vừa phải lo kinh tế gia đình", anh Mạnh chia sẻ.
Được kết nạp Đảng trong quân đội năm 2016, anh Bùi Văn Quyết ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) còn tham gia nhiều hoạt động và học hỏi kinh nghiệm về tác phong giải quyết công việc, công tác Đoàn tại đơn vị. Về địa phương, thấy phong trào Đoàn còn hạn chế, anh Quyết đã tích cực tham gia và có nguyện vọng muốn vận dụng những kinh nghiệm học hỏi được khi còn trong quân ngũ đóng góp cho phong trào tại địa phương. Từ năm 2017 đến nay, khi anh Quyết làm Bí thư Chi đoàn thôn Cúc Bồ, phong trào Đoàn Thanh niên có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài các hoạt động hằng năm, chi đoàn có thêm nhiều hình thức sinh hoạt, hoạt động mới như văn nghệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Gần đây, khi dịch Covid-19 trong tỉnh diễn biến phức tạp, các đoàn viên trong chi đoàn là lực lượng nòng cốt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone, phát khẩu trang miễn phí. Sẵn có nghề mộc truyền thống ở địa phương nên anh Quyết không phải loay hoay tìm kiếm việc làm, nhưng do đặc thù công việc thường ở các địa phương khác, có khi xa hàng trăm cây số nên anh Quyết cũng gặp không ít khó khăn. "Mỗi khi địa phương có việc, không thể vắng mặt thì tôi lại đi xe máy từ chỗ làm về. Tham gia công tác xã hội phải chạy đi chạy lại nhiều cũng tốn thời gian, tiền bạc. Trong khi đó, chế độ phụ cấp hiện còn quá thấp, chỉ đủ xăng xe, điện thoại cho công việc chung. Từ lúc lập gia đình, tôi càng phải cố gắng mới vừa làm tốt việc chung, vừa lo kinh tế gia đình".
Anh Nguyễn Văn Mạnh (thứ hai từ phải sang) ở xã Quang Thành (Kinh Môn) tích cực tham gia các phong trào của địa phương
Cần tạo điều kiện để gắn bó
Theo tìm hiểu, mỗi năm trong tỉnh có hàng chục đảng viên trẻ xuất ngũ về địa phương, nhưng để bám trụ, đóng góp cho phong trào tại quê hương như anh Mạnh, anh Quyết không có nhiều. Nhiều trường hợp khi mới về địa phương rất hăng hái, tích cực nhưng một thời gian không tìm được công việc phù hợp ở quê đã phải đi tìm việc ở nơi khác.
Anh N.V.Q. (21 tuổi ở Tứ Kỳ) được kết nạp Đảng trong quân ngũ. Sau khi xuất ngũ trở về, anh Q. không có việc làm ổn định tại địa phương. Để kiếm sống, anh Q. đi làm nhân viên bán hàng ở Hà Nội và tính Đảng cũng nhạt dần. "Làm xa nhà nên tôi thỉnh thoảng mới về quê, không còn điều kiện tham gia các hoạt động của thôn, xã như trước. Mỗi khi sinh hoạt Đảng ở chi bộ, nếu rảnh thì tôi thu xếp về dự, còn không cũng đành xin phép vắng mặt", anh Q. chia sẻ.
Không ít đảng viên kết nạp trong quân ngũ về địa phương một vài năm thì bị xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên hoặc tự làm đơn xin ra khỏi Đảng.
Những hạn chế trong phát huy vai trò đảng viên trẻ xuất ngũ ảnh hưởng nhất định đến công tác xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị-xã hội tại các Đảng bộ, chi bộ ở các địa phương. Đây cũng là khó khăn đối với công tác tạo nguồn phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên. Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn nữa việc đón nhận, quản lý và giao nhiệm vụ cho đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ trở về. Tiếp tục đa dạng hóa hình thức hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, vay vốn ưu đãi giúp đảng viên trẻ phát triển kinh tế, ổn định đời sống ngay tại địa phương. Các cấp ủy, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên là bộ đội xuất ngũ có điều kiện thử sức ở những vị trí, công việc cần sức trẻ, nhiệt huyết. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho họ để có thể bố trí, sử dụng lâu dài trong cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, tạo động lực cho đảng viên trẻ phấn đấu. Về lâu dài, các địa phương cần có nhiều giải pháp hơn nữa để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho đảng viên trẻ và thanh niên ổn định cuộc sống tại địa phương; từ đó mới có điều kiện tích cực, hăng hái tham gia phong trào chung.
HOÀNG NGA