Những năm qua, lễ hội truyền thống đền thờ Khúc Thừa Dụ ở thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) được tổ chức trang trọng góp phần khơi dậy lòng tự hào, tinh thần dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước.
Quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay
Năm nay, lễ hội truyền thống đền thờ Khúc Thừa Dụ năm 2024 tưởng niệm 1.117 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ có nhiều điểm mới. Với quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay, lễ hội được UBND huyện Ninh Giang tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 24-26/8 (từ ngày 21-23 tháng 7 năm Giáp Thìn).
Cùng với phần lễ và phần hội đều quy mô hơn, địa phương còn tổ chức trưng bày hàng chục sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề của các xã, thị trấn trong huyện; thi gói bánh chưng và giải cờ tướng. Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, trong đó biểu diễn vở cải lương “Khúc Tiên Chúa”… Ngày 25/8, Ban tổ chức thực hiện nghi thức lễ cáo yết, khai quang tịnh điền; tổ chức giải bóng chuyền hơi nam, nữ; chương trình giao lưu văn nghệ. Ngày 26/8, tổ chức khai mạc, lễ dâng hương, giải pháo đất...
Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho biết, để chuẩn bị tốt cho lễ hội truyền thống năm 2024, địa phương đã phối hợp với nhiều phòng, ban, Hội đồng gia tộc họ Khúc Việt Nam để chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, lực lượng, phương tiện. Xã Kiến Quốc tăng cường phối hợp bảo đảm công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian diễn ra lễ hội. Đồng thời phát động nhân dân ở các thôn, lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu vực xung quanh đền thờ Khúc Thừa Dụ và đình Cúc Bồ.
Cùng với đổi mới, mở rộng quy mô lễ hội, Ban tổ chức sẽ siết chặt quản lý, không để xảy ra tình trạng chèo kéo du khách xem bói toán, đốt nhiều vàng mã, thu vé xe không đúng quy định, người ăn xin, xả rác thải mất vệ sinh…
Với việc nâng quy mô tổ chức, lễ hội truyền thống đền thờ Khúc Thừa Dụ năm 2024 dự kiến sẽ thu hút đông đảo người tham dự từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã đến con cháu dòng họ Khúc gần, xa cùng nô nức trở về quê hương, hướng về cội nguồn.
Quan tâm đầu tư, tôn tạo
Đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc được xây dựng cách đây 20 năm. Nơi đây đã tìm thấy những viên gạch có khắc chữ Khúc Miếu - minh chứng cho việc thờ tự đã có từ rất sớm. Đền thờ được xây dựng cạnh đình làng Cúc Bồ, các công trình trong di tích được làm chất liệu gỗ "tứ thiết". Hệ thống phù điêu bằng đá xanh tạo thành quần thể hài hòa theo lối kiến trúc truyền thống, tăng thêm sự uy nghi, bề thế cho di tích.
Nhân dân địa phương lấy ngày mất của Tiên chúa Khúc Thừa Dụ (ngày 23/7 âm lịch) để tổ chức lễ hội tri ân, tưởng nhớ công ơn vị anh hùng đã xây dựng nền độc lập tự chủ cho đất nước. Đền thờ Khúc Thừa Dụ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 8/7/2014.
Năm 2022, khi một số hạng mục của di tích xuống cấp, UBND huyện Ninh Giang đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để tôn tạo, sửa chữa.Cũng trong năm 2022, huyện còn đầu tư hơn 22 tỷ đồng mở rộng đường từ đường tỉnh 396 đến đền thờ Khúc Thừa Dụ. Hiện nay, tuyến từ đường trục Đông - Tây tỉnh Hải Dương (trùng với đoạn đường tỉnh 396) rẽ vào đền thờ Khúc Thừa Dụ được mở rộng bề mặt 9 m, trải bê tông nhựa tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách thập phương đến tham quan đền thờ Khúc Thừa Dụ, làng nghề mộc truyền thống Cúc Bồ...
Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, Trưởng Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Với quy mô lớn hơn, lễ hội truyền thống đền thờ Khúc Thừa Dụ tổ chức trong 3 ngày với phần lễ trang trọng, phần hội đặc sắc, trở thành một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của xã Kiến Quốc nói riêng và của huyện Ninh Giang nói chung. Thông qua lễ hội, mọi người cùng nhau nhắc nhớ lại công lao đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng nền độc lập tự chủ của các vị Anh hùng dân tộc - Tam Chúa họ Khúc. Đây cũng là dịp để mọi người nêu cao truyền thống, đạo lý "uống nước nhớ nguồn", hướng tới mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ là người có công khởi dựng nền tự chủ của đất nước, chấm dứt hơn 1.000 năm dân tộc ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Nhân lúc nhà Đường suy yếu, ông đã đem quân đánh phủ Tống Bình (Đại La) và tự xưng là Tiết độ sứ, đứng lên cai quản đất nước.
Sau khi Khúc Thừa Dụ mất, con trai ông là Khúc Hạo lên nắm quyền, thực hiện nhiều cải cách quan trọng, góp phần ổn định và phát triển đất nước. Khúc Hạo mất, con trai Khúc Thừa Mỹ lên thay. Do giặc Nam Hán mạnh nên Khúc Thừa Mỹ bị thất thủ.
Thời gian nắm chính quyền chưa được 30 năm nhưng những đóng góp của 3 thế hệ - Tam Chúa họ Khúc đã đánh dấu son trong lịch sử dân tộc. Đó là thời kỳ mở nền độc lập, tự chủ, với những cải cách lớn có giá trị bền vững trong quá trình dựng nước và giữ nước.