Năm 2018, Vùng Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
5 năm qua, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch nhưng Cao Bằng đã từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như nâng cao nhận thức của người dân nhằm khai thác, phát huy giá trị sự vinh danh của UNESCO.
Nguyên Bình là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, người dân chủ yếu sống bằng nông, lâm nghiệp. Đổi lại, Nguyên Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp, trong đó phải kể đến đỉnh Phia Oắc, đỉnh núi được coi như nóc nhà vùng Đông Bắc hay vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén với sự đa dạng về cảnh quan cùng giống loài động thực vật... Vùng Nguyên Bình cũng còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống về nhà ở, trang phục, ẩm thực của đồng bào Tày, Dao cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phay Khắt, Nà Ngần…
Ngay sau khi được công nhận là một phần trong Công viên địa chất toàn cầu, Nguyên Bình đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để cộng đồng dân cư hiểu và tuân thủ các quy định về bảo tồn di sản. Địa phương cũng có phương án đầu tư hạ tầng, xây dựng khu cảnh quan rừng trúc Cốc Phường, khu nhà "trình tường" của người Dao, điểm ngắm cảnh trên đỉnh Phia Oắc, phối hợp nâng cấp cải tạo di tích Rừng Trần Hưng Đạo và mở rộng hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích đến các khu cảnh quan thành một lịch trình thông suốt cho du khách. Cùng với đó là tập huấn kỹ năng du lịch cho người dân, xây dựng làng du lịch Cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành với những sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng như tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Dao, tham gia các hoạt động dệt vải, lấy sáp ong trên hang núi và ngắm những cánh đồng lúa bậc thang tuyệt đẹp nơi đây...
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, Cao Bằng cho biết, điều quan trọng đó là nhận thức của người dân đã từng bước có sự thay đổi: “Trên cơ sở đầu tư của huyện cũng như công tác tuyên truyền, người dân cũng đã nhận thức được là cần phải khai thác các tiềm năng sẵn có. Vì vậy trong triển khai, thực hiện dự án được người dân rất ủng hộ, từ giải phóng mặt bằng, hiến đất đến tham gia dự án. Từ đó kinh tế người dân mở mang hơn, người dân đã biết làm thương mại, buôn bán, như biết lấy các loại rau, cây thuốc thành hàng hóa phục vụ du khách…”.
Song song với đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhân dân trong khu vực cũng đã được Cao Bằng xem là yếu tố then chốt để khai thác tiềm năng, thế mạnh công viên địa chất. Trong đó có việc hướng dẫn, định hướng người dân phát huy thế mạnh từng thôn bản phục vụ du lịch cộng đồng.
Tại xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thác Bản Giốc chỉ vài km, Ban Quản lý Công viên địa chất non nước tỉnh Cao Bằng đã đến hướng dẫn người dân triển khai mô hình làm homestay, nuôi cá lồng trên sông và trồng rau sạch.
Chị Hoàng Thị Lan, một người dân tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng tại xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết thêm: “Trước cửa homestay của tôi là dòng sông Quây Sơn, có loại cá dầm xanh nổi tiếng, khách đến đây cũng muốn ăn đặc sản sông Quây Sơn nhưng chưa có. Tham gia dự án thì bà con chúng tôi nuôi cá và du khách sẽ là người tiêu thụ sản phẩm cho. Hay như trồng rau sạch thì du khách họ đến cũng sẽ tham gia, trải nghiệm trồng rau cùng bà con, đây cũng là trải nghiệm du lịch hấp dẫn”.
Hiện nay, Cao Bằng đã xây dựng thành công 4 tuyến khám phá trải nghiệm, bao trùm toàn bộ các khu vực đã được công nhận gồm: Tuyến tham quan "Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay" theo hướng tây; Tuyến tham quan "Trở về nguồn cội" từ TP Cao Bằng ngược lên phía bắc; Tuyến tham quan "Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên" về phía Đông và tuyến trải nghiệm “Một thời hoa lửa” từ thành phố Cao Bằng đi các huyện Thạch An, Quảng Hòa với nhiều di tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Địa phương này cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng tuyến trải nghiệm thứ 5, liên kết các vùng của Công viên địa chất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tại các tuyến này, vai trò của cộng đồng dân cư luôn được xem là yếu tố then chốt để phát huy tiềm năng, giá trị trong phát triển du lịch.
Ông Vi Trần Thùy, Phó Giám đốc BQL Công viên địa chất non nước Cao Bằng cho hay: “Để hỗ trợ, thúc đẩy người dân tham gia vào chuỗi cung cấp dịch vụ cho du khách, Ban Quản lý đã tham mưu tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng phát triển công viên địa chất, trong đó có hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình cụ thể. Ví dụ với mô hình nông nghiệp, Ban Quản lý phối hợp chuyên gia tư vấn và phòng nông nghiệp các huyện để xây dựng mô hình và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Phía Ban Quản lý sẽ có những hỗ trợ kết nối về đầu ra cho các sản phẩm hộ dân tham gia mô hình”.
Vừa qua, Cao Bằng đã bảo vệ thành công danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu sau lần tái thẩm định của các chuyên gia UNESCO. Đây là cơ sở để địa phương này tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất để phát triển du lịch, một trong những đột phá kinh tế mà Nghị quyết đại đội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đã đề ra.
Theo VOV