Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia luôn được tỉnh Hải Dương cũng như huyện Cẩm Giàng đặc biệt quan tâm.
Văn miếu Mao Điền là nơi tôn vinh đạo học xứ Đông
Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia được nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt là niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung, của huyện Cẩm Giàng nói riêng. 2 di tích này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, cần tiếp tục bảo tồn và phát huy.
Giá trị lịch sử, văn hóa to lớn
Văn miếu Mao Điền thuộc xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) hiện nay vốn là nơi kế thừa, tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng từ thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An (nay là xã Vĩnh Tuy, Bình Giang). Năm 1800, Văn miếu trấn Hải Dương được di chuyển về hợp nhất với Trường thi hương ở xã Mao Điền (cũng được xây dựng cùng thời) tạo thành một trung tâm đào tạo nhân tài, tôn vinh học vấn, tạo nguồn lực xây dựng đất nước và tồn tại cho đến ngày nay.
Hải Dương là vùng đất sản sinh ra nhiều bậc đại khoa, tiến sĩ nho học đứng đầu trong cả nước. Trấn Hải Dương xưa có 637 tiến sĩ, 12 trạng nguyên. Sau chia tách địa giới hành chính, toàn tỉnh có 486 tiến sĩ, 11 trạng nguyên. Văn miếu Mao Điền không chỉ là nơi lưu danh những bậc hiền tài mà còn là địa chỉ giáo dục, khích lệ hậu thế noi gương học tập, tạo ra một mạch nguồn văn hóa không ngừng chảy. Văn miếu Mao Điền ngoài thờ Khổng Tử còn thờ nhiều vị đại khoa người Việt. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cứ vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch hằng năm, quan tổng đốc cùng các quan lại, cử nhân, tiến sĩ... lại về Văn miếu Mao Điền làm lễ nêu cao cương thường, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến khích lớp trẻ học tập và rèn luyện nhân phẩm. Ngày nay, Văn miếu Mao Điền trở thành địa chỉ giáo dục quan trọng cho các thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa, truyền thống khoa bảng và được coi là nơi tôn vinh đạo học của tỉnh Đông. Sự ra đời, tồn tại của Văn miếu Mao Điền suốt hơn 2 thế kỷ qua chứng minh Hải Dương là vùng đất học, đất danh nhân, đất văn hiến.
Nếu như di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền là nơi tôn vinh đạo học xứ Đông, thì cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Xưa - chùa Giám - đền Bia lại gắn liền với tên tuổi và là bằng chứng vật chất về cấp độ nổi tiếng, sức lan tỏa ảnh hưởng của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đền Xưa ở xã Cẩm Vũ (nơi ông sinh ra) được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1990 và còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị. Chùa Giám ở xã Cẩm Sơn (nơi Tuệ Tĩnh tu tập, học hành, nghiên cứu các bài thuốc dân gian) tương truyền được khởi dựng từ thời Lý. Tại gian nhà tổ chùa Giám đặt tượng thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh - người có nhiều công lao trong việc xây dựng cảnh chùa và hoằng dương Phật Pháp. Chùa Giám được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1974. Nơi đây hiện còn bảo lưu Tòa Cửu phẩm Liên hoa - 1 trong 3 kiệt tác kiến trúc gỗ Phật giáo chỉ xuất hiện vào thế kỷ XVII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015. Đền Bia ở xã Cẩm Văn được khởi dựng từ thời Lê, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh và tấm bia đá thời Lê. Năm 1993, di tích đền Bia đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái đền Bia ở xã Cẩm Văn dịp đầu năm
Các di tích trên là bằng chứng xác thực về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tri ân những người có công với dân, với nước”. Các di tích càng khẳng định thiên tài y dược học cổ truyền của Tuệ Tĩnh đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội. Ông đã sáng tạo ra tác phẩm nổi tiếng “Nam dược thần hiệu - Hồng nghĩa giác y thư” gồm 581 vị thuốc Nam trị 181 loại chứng bệnh cho người Việt Nam với tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân”. Qua đây, có thể thấy Tuệ Tĩnh có tinh thần độc lập về văn hóa. Đó là nhân tố quan trọng làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tài năng sáng tạo và ý thức độc lập tự chủ trong lĩnh vực y dược học cổ truyền là phẩm chất nổi trội nhất và cũng là di sản tinh thần mà Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh đã góp phần làm nên sự đa dạng trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Phẩm chất văn hóa cao đẹp của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh được đời sau ngợi ca, tôn vinh khi ông đã dấn thân, dâng hiến, tận tụy, dứt bỏ quan trường chọn nghề thuốc nhằm cứu nhân độ thế, mượn đạo Phật để tu nhân tích đức, thực hành từ bi, hỉ xả...
Bảo tồn, khai thác
Dù trong thời kỳ nào, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia cũng luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân Hải Dương nói chung, huyện Cẩm Giàng nói riêng đặc biệt quan tâm. Năm 2002, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng đại trùng tu Văn miếu Mao Điền trên quy mô lớn. Năm 2015, di tích tiếp tục được các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân... chung tay đầu tư kinh phí mở rộng khuôn viên, khắc dựng 14 tấm bia đá đề danh 637 vị tiến sĩ với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng. Năm 2018, UBND tỉnh đã đầu tư 3,8 tỷ đồng thực hiện chống xuống cấp đền Xưa và đầu tư thêm 1 tỷ đồng tu sửa đình Chợ nằm trong khuôn viên di tích này. Trước đó, từ năm 2006, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Y tế đầu tư kinh phí trùng tu nhiều hạng mục tại di tích đền Xưa. Huyện Cẩm Giàng cũng vận động được khoảng 500 triệu đồng đầu tư một số hạng mục. Năm 2005, đền Bia cũng được bộ, ngành, địa phương đầu tư trùng tu, tôn tạo và nâng cấp nhiều hạng mục mang đến cho di tích một không gian văn hóa tâm linh, giá trị nhân văn mới. Chùa Giám cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, tu bổ tạo ra khuôn viên ngày càng hoàn chỉnh. Công cuộc trùng tu đã đem lại cho Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh diện mạo mới, tương xứng với những giá trị lịch sử và văn hóa về một mảnh đất xứ Đông văn hiến.
Tòa Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Giám là công trình kiến trúc độc đáo
Tỉnh Hải Dương cũng có nhiều việc làm nhằm phát huy giá trị của các di tích trên. Trong đó, đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể di tích Văn miếu Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia làm căn cứ để bảo vệ cảnh quan và các giá trị di sản văn hóa gắn với di tích. Tiếp tục khai thác, sưu tầm tài liệu, nghiên cứu để bổ sung các căn cứ khoa học, chứng minh các giá trị vật chất liên quan đến di tích làm cơ sở cho việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần. Xác định kế hoạch bảo tồn nhằm ngăn chặn quá trình hủy hoại tại di tích, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích toàn khu vực. Hằng năm, các ngành, địa phương duy trì tổ chức lễ hội, lễ “khai bút” đầu xuân, diễn xướng văn nghệ dân gian, tổ chức gặp mặt các nhà giáo ưu tú, học sinh xuất sắc, toạ đàm chuyên đề “dạy tốt, học tốt” tại các di tích. Tăng cường quảng bá, giới thiệu về giá trị, liên kết xây dựng các tour du lịch liên quan đến các di tích... Nhờ vậy, lượng khách đến với Văn miếu Mao Điền và cụm di tích thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh ngày càng tăng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ phục dựng trường thi Hương trấn Hải Dương, nâng cấp nhà truyền thống giáo dục - đào tạo, phòng đọc chuyên đề danh nhân văn hóa xứ Đông. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án phát huy giá trị di tích trong những năm tới với những hoạt động mang tính giáo dục cao như Lễ rước tôn vinh truyền thống văn hiến tỉnh Đông, gặp mặt tiến sĩ Hải Dương hiện đại, rước “vinh quy bái tổ”…
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá di tích; quan tâm xây dựng các điểm đến, các tour tuyến du lịch liên quan. Định hướng tổ chức quản lý, sử dụng nhằm phát huy các giá trị của di tích, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.
NGUYỄN DƯƠNG THÁI
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh