Phát hiện một đoạn mới của Vạn Lý Trường Thành

29/02/2012 15:38

Nhà thám hiểm người Anh đã phát hiện đoạn tường thành đầu tiên ở bên ngoài Trung Quốc, nằm trong hệ thống Vạn Lý Trường Thành .

Trong nhiều năm, những câu hỏi mà nhà thám hiểm người Anh, William Lindesay đặt ra về khả năng tồn tại một đoạn kéo dài của Vạn Lý Trường Thành tại Mông Cổ đã không có một lời giải đáp nào. Tuy nhiên, gần đây nhà nghiên cứu này đã đạt được một bước đột phá với việc phát hiện đoạn tường thành đầu tiên ở bên ngoài Trung Quốc, nằm trong hệ thống Vạn Lý Trường Thành .

Đoạn trường thành mới phát hiện nằm cách biên giới Trung Quốc – Mông Cổ gần 40 km về phía bắc, thuộc tỉnh Omnogovi.


Được một nhà sử học người Hà Lan giới thiệu về nhà địa lý học người Mông Cổ, giáo sư Baasan Tudevin, một người đã từng đi lại và nghiên cứu nhiều về sa mạc Gobi, ông Lindesay đăng một thông báo tìm người trên báo địa phương, và không phải chờ lâu, giáo sư Tudevin đã liên hệ lại. “Ông ấy nói với chúng tôi rằng, có những kiến trúc khác nhau trên sa mạc, và chúng tôi có thể tìm ra chúng nhờ Google Earth”, Lindesay kể.


Tháng 8-2011, nhà khoa học người Anh đã thành lập một nhóm thám hiểm với hai chiếc Land Cruiser, 166 lít nước, 45 lít xăng dự phòng và một máy dò tín hiệu từ Google Earth. Họ khởi hành cách biên giới Trung Quốc – Mông Cổ khoảng 40 km. Hai ngày sau, nhóm của ông phát hiện một cấu trúc được cho là đoạn đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.


Mất tích trong gần 1.000 năm, đoạn thành dài này dài tới 90 km, được làm chủ yếu từ đất và cây saksoul (một loại cây bụi trong vùng). Lindesay cho biết, hầu hết đoạn tường chỉ còn cao bằng ống chân, nhưng có một đoạn cao tới vai người. Ban đầu, nhà thám hiểm đánh giá, đoạn tường thành này được xây vào khoảng năm 120 trước Công nguyên, vào thời Hán, nhằm bảo vệ khu vực chống lại Xiongnu, một bộ tộc du mục mà người Trung Quốc cũng đang phải đối phó.

Tuy vậy, các xét nghiệm carbon đã xác định niên đại của nó là vào thế kỷ 11 hoặc 12. “Trên tổng thể, tường thành của Genghis Kan dường như là một đoạn mất tích của Trường thành thời Hán, vốn kéo dài tới trung tâm sa mạc Gobi vào khoảng năm 115 trước công nguyên”, Lindesay nói. Nhà nghiên cứu này đặt giả thuyết con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn (Hoàng đế sáng lập đế quốc Mông Cổ) là Ogedei Khan, đã xây tường thành nói trên để ngăn chặn những đàn linh dương gazen tràn sang từ Trung Quốc; hoặc nhà Tây Hạ (Trung Quốc) đã cho xây kiến trúc này.

Lindesay đã bắt đầu say mê nghiên cứu về Vạn Lý Trường Thành kể từ chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực vào năm 1986. Ông đã viết nhiều cuốn sách giới thiệu các nghiên cứu của mình, trong đó có cuốn “The Great Wall Revisited: From the Jade Gate to Old Dragon's Head and Alone on the Great Wall”.


Thu Hằng(TT)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát hiện một đoạn mới của Vạn Lý Trường Thành