Nghiên cứu mới cho thấy trẻ em thải ra số lượng giọt bắn chứa virus thấp hơn người lớn nhiều lần. Song, các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ nguy cơ trẻ lây lan virus.
Theo CNN, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface, nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện khi thở, nói, hát, trẻ em 8-10 tuổi thải ra lượng giọt bắn chỉ bằng 25% người lớn.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy về tổng thể, trẻ em thải ra các hạt với tỷ lệ và khối lượng thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về khối lượng hạt thải ra giữa các nhóm khi trẻ nói, hát hay hét.
Ngoài ra, họ cũng phát hiện trẻ em có tải lượng virus thấp hơn, song không đáng kể, so với người lớn. Trẻ em ít có nguy cơ bị lây nhiễm nCoV và thường là không có triệu chứng. Khí thải qua đường hô hấp được xem là một trong những lý do giải thích cho hiện tượng này.
Nhóm tác giả đánh giá những phát hiện này có thể hữu ích khi đưa ra các khuyến cáo quản lý rủi ro ở trường học. Song, nhiều ý kiến cho rằng dữ liệu này chỉ giải thích được một phần nhỏ khả năng lây truyền SARS-CoV-2 ở trẻ em.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả theo dõi 15 trẻ em trong độ tuổi 8-10 và so sánh tốc độ chúng thải ra các hạt, giọt bắn khi thở, nói, hát với tốc độ của 15 người lớn. Họ đo số lượng, khối lượng các hạt phát ra theo thời gian.
Theo Giáo sư Linsey Marr, Virginia Tech, không rõ số liệu nào - số lượng hay khối lượng các hạt - quan trọng nhất trong việc đánh giá sự lây truyền của virus. Song, các chuyên gia tin rằng khối lượng càng cao, việc thải vi rút ra ngoài môi trường càng lớn. GS Marr không tham gia vào nghiên cứu này nhưng đã có kinh nghiệm phân tích cách vi rút có thể lây truyền qua không khí.
Nghiên cứu cho thấy trung bình trẻ em cũng ít gây ồn hơn người lớn, điều này một phần tạo nên sự khác biệt về khả năng bay các hạt chứa virus ra xa ngoài môi trường.
Chuyên gia virus học phân tử và vi sinh, nhi khoa, GS.TS Pedro Piedra, Đại học Y Baylor, người cũng không tham gia vào nghiên cứu, trả lời phỏng vấn của CNN: “Kết quả này có thể được giải thích một phần là do sự khác biệt trong giải phẫu hô hấp giữa trẻ em và người lớn. Ví dụ, trẻ em có kích thước phổi nhỏ hơn và dây thanh âm ngắn hơn”.
Vị chuyên gia cũng nhận định: “Trong bối cảnh đại dịch, trung bình trẻ em thải ra ít giọt và khí dung hô hấp hơn người lớn, có thể, nhóm tuổi này ít có khả năng lây truyền nCoV hơn”.
Tuy nhiên, bà cảnh báo có nhiều thay đổi trong các hạt chứa virus thải ra từ người này sang người khác. Do đó, ngay cả khi trung bình những đứa trẻ thải ra ít giọt bắn, vẫn có những trường hợp trẻ em lây truyền virus mạnh hơn người lớn.
Ngoài ra, GS Piedra cũng cho rằng nghiên cứu này chỉ là một phần và không thể sử dụng để giải thích sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện nay, các bang tại Mỹ cân nhắc việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở trường học. Vị chuyên gia cho rằng chưa phải là thời điểm để làm điều này.
Bởi trẻ em có thể không có tỷ lệ lây nhiễm, mắc bệnh nặng cao, song, khi nhiễm nCoV, trẻ vẫn có thể phát tán virus cho người khác.
Theo Zing