Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), nhiều sản phẩm “hàng hiệu” dành cho trẻ em chứa những hợp chất hóa học có thể gây hại cho sức khỏe.
Thành viên Tổ chức Greenpeace hóa trang thành công nhân may mặc tại Thủ đô Budapest của Hungary
để tìm hiểu việc nhiều sản phẩm may mặc cho trẻ em bị nhiễm độc - Ảnh: AFP
Báo cáo đưa ra kết quả phân tích 82 sản phẩm may mặc và giày dép dành cho trẻ em của 12 thương hiệu nổi tiếng, bao gồm Adidas, American Apparel, Burberry, C&A, Disney, GAP, H&M, Lining, Nike, Primark, Puma, Uniqlo. Những sản phẩm này được Greenpeace mua ở các cửa hàng “chính hãng” tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới: Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Nga, Nhật... Đa phần các sản phẩm được gia công ở châu Á, trong đó có Trung Quốc (29 món), Thái Lan (8 món)...
Theo đó, cả 12 thương hiệu nói trên đều có sản phẩm nhiễm ít nhất một trong số các hợp chất độc hại sau: nonylphenol ethoxylates (NPE), phthalates, organotins, per/poly-fluorinated chemicals (PFC)… Cụ thể, có 50/82 món được kiểm nghiệm nhiễm NPE với tỷ lệ từ 1 mg/kg - 17.000 mg/kg. Tất cả các hãng đều có sản phẩm “dính” hợp chất này, đáng kể là Disney (4/5 sản phẩm), H&M (6/7), Lining (3/4), Puma (5/6), Primark (5/6), American Apparel (3/4). Trong số này, một số sản phẩm của C&A, Disney và American Apparel có tỷ lệ NPE cao nhất (trên 1.000 mg/kg).
Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo, khi mua quần áo mới, trước khi mặc phải giặt sạch bởi trong những sản phẩm mới bao giờ cũng còn hóa chất bảo quản độc hại, nhất là áo len, áo sơ mi | ||
Thạc sĩ Phạm Đức Dương, Giám đốc Trung tâm vật liệu dệt may da giày (ĐH Bách khoa Hà Nội) | ||
NPE, dẫn xuất của nonylphenol (NP), là chất tẩy có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng sự tăng trưởng của cơ thể và khả năng sinh sản. Tuy ít gây hại hơn NP, nhưng khi bị thải ra môi trường, sau một thời gian, NPE sẽ chuyển hóa lại thành NP với độc tính cao hơn nhiều lần. Hiện tượng tích tụ sinh học càng khiến những nguy cơ từ chất NP thêm đáng ngại. Khi NP bị thải ra nguồn nước sẽ bị tảo hấp thụ, sau đó, tảo lại bị cá ăn và NP sẽ được tích trữ trong mỡ của chúng. Chuỗi thức ăn cứ thế sẽ tiếp tục cho đến con người. Greenpeace nhấn mạnh việc các sản phẩm nhiễm NPE cho thấy chất này được sử dụng trong quá trình sản xuất và nhiều khả năng theo nguồn nước thải làm ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2005, việc dùng NPE trong công nghiệp đã bị hạn chế và kiểm soát nghiêm ngặt tại EU và Bắc Mỹ. Hiện nay, các sản phẩm lưu hành trên thị trường châu Âu có chứa chất này đều phải ghi rõ “nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản”, “có thể gây ảnh hưởng đến thai phụ” và “rất độc với thủy sinh vật, có thể gây ảnh hưởng lâu dài cho môi trường”.
Báo cáo cũng cho kết quả 33/35 mẫu thử nhiễm phtalates, chất được dùng trong quá trình sản xuất nhựa. Đặc biệt, 2 sản phẩm của Primark (mua ở Đức) và American Apparel (mua ở Mỹ) có tỷ lệ chất này cao hơn hẳn, lần lượt là 11% và 0,6%. Trong khi giới hạn cho phép của phtalates trong đồ chơi hoặc đồ dùng cho trẻ em ở EU là 0,1%. Phtalates có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh cũng như khả năng sinh sản của con người. Các hợp chất khác có thể gây hại cho sức khỏe và môi trường như organotins (dùng để diệt khuẩn, diệt nấm mốc) và PFC cũng được phát hiện trong nhiều sản phẩm, nhiều nhất là ở các mặt hàng giày dép, quần áo của Adidas, Nike, Puma, Uniqlo.
Từ hơn 2 năm qua, Greenpeace đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu, báo cáo trong khuôn khổ chiến dịch Detox nhằm khuyến cáo các tên tuổi lớn ở nhiều ngành công nghiệp hạn chế tối đa các hợp chất sử dụng trong quá trình sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Trong báo cáo lần này, Greenpeace đặc biệt cảnh báo những hợp chất hóa học kể trên vốn đã có thể gây hại đối với người lớn lại càng nguy hiểm cho trẻ em vì cơ thể các bé nhạy cảm và dễ bị tác động hơn hẳn.
Khuyến cáo đối với người tiêu dùng trong nước Trước thông tin sản phẩm quần áo trẻ em của các hãng thời trang nổi tiếng nhiễm hóa chất nguy hại, TS Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may cho hay, các hóa chất này được ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm dệt may nhằm mục đích tăng hoạt động bề mặt, xử lý chống thấm, chống bẩn và khả năng hòa tan cũng như tạo nhũ tương tốt và xử lý nhuộm hoàn tất. Về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nonylphenol ethoxylate (NPE) là hóa chất thuộc nhóm hữu cơ và là hóa chất tẩy rửa, làm sạch dùng trong công nghiệp có trong các sản phẩm như xà phòng, giúp làm trắng sáng. Còn ít nghiên cứu sâu về chất này với sức khỏe con người nhưng về kết cấu, NPE tương tự như hormon sinh dục nữ và có khả năng cạnh tranh rất mạnh. Vì vậy khi lọt vào cơ thể, nó khiến cho các tế bào của cơ thể bị nhầm lẫn đó là hormon thật nên sẽ tiếp nhận chất này dẫn đến làm ức chế cơ thể nữ sản xuất hormon. Vì vậy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ gái, phụ nữ. Th.S Phạm Đức Dương, Giám đốc Trung tâm vật liệu dệt may da giày (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, thông thường bất cứ sản phẩm dệt may bao gồm: quần áo trẻ em, quần áo tiếp xúc với da, quần áo mặc ngoài và phụ kiện trang trí khi xuất khẩu ra các nước châu Âu, Mỹ... đều phải trải qua hàng rào hải quan kiểm tra các chỉ tiêu sinh thái. Trong đó, đặc biệt là quần áo trẻ em, có những quy chuẩn ngặt nghèo bắt buộc không chứa chất độc NPEs hoặc nếu có phải nằm trong giới hạn cho phép vì chất này có nguy cơ gây ung thư. Đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Việt Nam, theo ông Phạm Đức Dương, các sản phẩm chỉ phải kiểm tra hàm lượng formaldehyde, thuốc nhuộm azo, kim loại nặng, hàm lượng pH tại 3 trung tâm: Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ); Viện Dệt may (Bộ Công thương); Phân hiệu Viện Dệt may TP.HCM. TS Nguyễn Văn Thông xác nhận, hiện Việt Nam mới chỉ có quy chuẩn cấm các chất formaldehyde, thuốc nhuộm azo, kim loại nặng cho từng sản phẩm chứ chưa có quy định cấm các chất độc NPE. Th.S Phạm Đức Dương kiến nghị cần nhanh chóng ban hành quy chuẩn kỹ thuật các chất cấm như NPE. Từ đó, các cơ quan kiểm tra kiểm định đánh giá và cảnh báo cho người tiêu dùng. “Với những sản phẩm ghi nguồn gốc, xuất xứ, người tiêu dùng có thể yên tâm một phần. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo, khi mua quần áo mới, trước khi mặc phải giặt sạch bởi trong những sản phẩm mới bao giờ cũng còn hóa chất bảo quản độc hại, nhất là áo len, áo sơ mi”, ông Dương khuyến cáo. Thu Hằng - Liên Châu |
Lan Chi (Thanh niên)