Các chuyên gia Mỹ lần đầu tiên phát hiện một hệ thống hành tinh ngoài hệ mặt trời có sự sắp xếp về quỹ đạo giống như ngôi nhà của trái đất hiện nay.
Theo công trình nghiên cứu của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT), kết hợp với Đại học California tại Santa Cruz, hệ thống hành tinh trên cách chúng ta 10.000 năm ánh sáng. Trung tâm của hệ này tất nhiên là một ngôi sao, được xác định là Kepler-30, có độ sáng và lớn như mặt trời.
Sau khi phân tích dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Kepler của NASA, họ xác định được ngôi sao trung tâm quay quanh trục thẳng đứng như mặt trời, và bộ ba hành tinh kế cận đều có quỹ đạo cùng trên một đường. “Trong hệ mặt trời của chúng ta, đường di chuyển của các hành tinh được đặt song song với chuyển động của mặt trời,” theo trưởng nhóm Roberto Sanchis-Ojeda của MIT. Và ở hệ mặt trời xa xôi, các chuyên gia cũng chứng kiến chuyển động tương tự, theo báo cáo trên chuyên san Nature.