Tại đền An Sinh, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết nền, bó nền, hai sân gạch và 38 móng cột của nhiều đơn nguyên kiến trúc. Trong đó có bốn đơn nguyên kết nối liên hoàn thành một quần thể quy mô lớn. Phần sân nằm giữa các kiến trúc được lát bằng gạch theo kỹ thuật nêm cối, tạo hình hoa chanh, giống với các khoảng sân đã phát hiện tại khuôn viên đền An Sinh.
Các dấu vết móng cột đã xuất lộ cho thấy, phần móng được đầm chặt bằng sỏi son hoặc đá cát. Kỹ thuật và vật liệu sử dụng gia cố móng cột giống với kỹ thuật và nguyên liệu gia cố móng thời Trần phát hiện trong đền An Sinh, Thái Miếu và một số di tích thời Trần khác ở thị xã Đông Triều.
Ông Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đánh giá những khai quật bước đầu đã củng cố thêm giả thuyết dưới thời Trần, đền An Sinh là dinh thự của An Sinh Vương Trần Liễu. Những phát hiện này rất quan trọng, cần có kế hoạch khảo sát và nghiên cứu tổng thể. Sau khi tư liệu hóa, đoàn khai quật đã lấp bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất các di tích đã xuất lộ.
Đền An Sinh thờ 8 vua nhà Trần và An Sinh Vương Trần Liễu (anh trai vua Trần Thái Tông, bố của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Văn bia Trần Triều bi ký chép: "Khâm Minh Thánh Vũ Hiển Đạo An Sinh vương Hoàng đế (Trần Liễu) mất ngày 2.10 năm Tân Hợi. Lăng táng tại lăng xứ Đồng Sinh, 65 mẫu".
Tại chùa Am Hoa, kết quả khai quật cho thấy đây là một trong những quần thể di tích lớn trong hệ thống chùa tháp Trúc Lâm Yên Tử. Hầu hết di tích nền móng kiến trúc đã được phát hiện, ghi nhận có niên đại thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17.
Một mặt bằng kiến trúc hình chữ công xuất lộ tại khu trung tâm của chùa Am Hoa được cho là Tam Bảo. Cấu trúc và dấu vết còn lại cho thấy Tam Bảo chùa Am Hoa thời Lê Trung Hưng không sử dụng nền đất và được nâng sàn. Đây là cấu trúc độc đáo và hiếm gặp trong hệ thống chùa tháp Trúc Lâm.
Tại Trại Cấp, kết quả khai quật cho thấy di tích này được xây dựng dưới thời Trần, tu bổ tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng. Dưới thời Trần, Trại Cấp có quy mô lớn, bao phủ hầu hết quả đồi. Sau khi kiến trúc thời Trần sập đổ, thời Lê Trung Hưng người ta xây dựng lại công trình mới trên khu vực trung tâm của kiến trúc thời Trần với quy mô nhỏ hơn, tái sử dụng vật liệu xây dựng công trình thời Trần. Các di tích di vật cho thấy thời Lê Trung Hưng Trại Cấp là ngôi chùa.
Trước những kết quả khảo cổ, các nhà khoa học đề nghị sớm công nhận Am Hoa và Trại Cấp là di tích cấp tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ninh cần có quy hoạch kết nối các di tích mới với di tích Hồ Thiên, Ngọa Vân và Yên Tử để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
UBND thị xã Đông Triều cùng đoàn khai quật đã gửi hồ sơ, báo cáo kết quả khai quật và những kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Ninh để xem xét.
Theo VnExpress