Số báo đặc biệt kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018) có nhiều bài, chuyên mục hay về nghề báo.
Hôm nay 20.6, Báo Hải Dương phát hành số báo đặc biệt kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2018).
Mở đầu là bài Học và làm theo phong cách viết báo Hồ Chí Minh (Vũ Hoàng Luyến). Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của Đảng, dân tộc ta, đồng thời là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời cách mạng, Bác thường xuyên viết báo, quan tâm giáo dục, rèn luyện báo chí cách mạng. Di sản to lớn, vô cùng quý báu Người để lại là hàng nghìn bài báo ký những bút danh khác nhau và những bài học về làm báo vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.
Bài Người có nhiều bức ảnh quý về Bác Hồ (Thanh Nga) viết về nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khuê, người đã vinh dự được chụp ảnh Bác trong 2lần Bác Hồ về thăm Hải Dương vào các năm 1962 và 1965. Những bức ảnh đó trở thành những tư liệu lịch sử quý của tỉnh nhà, đồng thời giúp hình thành trong ông trách nhiệm lớn lao đối với nghề báo.
Nạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội và các ứng dụng internet đã và đang gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong đời sống thực. Bài Cuộc chiến chống tin giả và trách nhiệm xã hội của báo chí (Lê Quốc Minh) đi sâu phân tích về tác hại của nạn tin giả đối với xã hội và đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bài Đạo đức nhà báo trong thời đại 4.0 (Vũ Úy) đề cập tới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với nhà báo và hoạt động báo chí. Để thích ứng được với những thay đổi đó, người làm báo phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp để tránh những hậu quả đáng tiếc từ sự nhiễu loạn thông tin và mặt trái của kinh tế thị trường.
Đối với mỗi người làm báo, từ thế hệ kỳ cựu như nhà báo Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương tới các phóng viên trẻ hiện nay đều có những chuyến tác nghiệp đáng nhớ trong và ngoài tỉnh. Các bài viết: Tây Nguyên, những lần đến (Bình Minh), Tác nghiệp giữa khơi xa (Tiến Mạnh), Niềm vui sau từng tác phẩm (Đỗ Gia), Kỷ niệm nghề báo (Hà Nga, Lê Đức Tâm, Đỗ Quyết) là những kỷ niệm nghề sâu sắc, thú vị.
Bài Áp lực phóng viên thường trú (Danh Trung) viết về những khó khăn, vất vả của các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Dương. Xa nhà, thiếu thốn về tình cảm, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn... song họ vẫn say nghề, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Là một người làm báo "tay ngang" song tác giả Khúc Hà Linh say sưa với nghề báo không kém những phóng viên chuyên nghiệp. Ông cũng là người có duyên với nhiều giải thưởng báo chí Trung ương và địa phương. Bài Nhiều lần "ăn" giải nhờ người tốt là tâm sự của ông về quá trình thực hiện các bài viết người tốt, việc tốt đã đoạt giải.
Bài Lá thư khơi dậy tâm hồn thơ của một nhà báo (Dũng Cát) tái hiện cuộc trao đổi đáng nhớ qua thư giữa nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hữu Phách với nhà phê bình văn học Hoài Thanh về nghề văn, mối quan hệ giữa công tác văn học với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cách mạng, giữa sáng tác văn học với lao động thực tiễn... Những trao đổi đầy tâm huyết ấy đã khơi dậy, nâng đỡ một tâm hồn thơ tỉnh Đông, giúp ông bền bỉ trên con đường sáng tác văn chương.
Trang Văn nghệ có truyện ngắn Tận cùng sự thật (Vũ Thị Huyền Trang); tản văn Ước mơ xanh (Vũ Thị Thanh Hòa); chùm thơ của các tác giả: Hà Cừ, Bùi Văn Hiền, Nguyễn Thế Trường, Thái Bá Lý, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Hưng Hải, Việt Hòa, Hoàng Bích Hà.
Mời bạn đọc đón xem.