Pháp phát lệnh bắt chưa từng có tiền lệ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân Syria.
Đài CNN dẫn nguồn thạo tin ngày 15/11 cho biết Pháp đã phát lệnh bắt đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân Syria.
Ông Anwar al-Bunni, một luật sư và là nhà sáng lập Trung tâm Pháp lý và Nghiên cứu Syria, nói với Đài CNN rằng quyết định trên của Pháp là "chưa từng có tiền lệ".
Đây là lần đầu tiên một quốc gia ban hành lệnh bắt cho tội ác chống lại loài người đối với người đứng đầu của một quốc gia khác.
Theo đó, lệnh bắt quốc tế cũng được các thẩm phán Pháp ban hành ngày 14/11 đối với em trai ông Assad là ông Maher al-Assad - chỉ huy Sư đoàn 4 của Syria, cùng hai vị tướng quân đội khác, cho các cáo buộc đồng lõa với tội ác chống lại loài người và đồng lõa với tội ác chiến tranh.
Được biết, cơ quan chịu trách nhiệm cho tội ác chống lại loài người của tòa án Pháp đã điều tra các cuộc tấn công hóa học ở Syria từ năm 2021.
Nguyên đơn của vụ kiện là ba tổ chức, bao gồm Trung tâm Thông tin và Tự do ngôn luận Syria (SCM), Sáng kiến Công lý xã hội mở (OSJI) và Cơ quan Lưu trữ Syria.
Theo thông cáo ngày 14/11 từ nguyên đơn, đơn kiện được nộp vào năm 2021, liên quan đến "việc sử dụng vũ khí hóa học bị cấm chống lại dân thường ở thị trấn Douma và quận Đông Ghouta (Syria) vào tháng 8/2013, các vụ tấn công đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng".
Cũng theo thông cáo, một cuộc điều tra đã được tiến hành cho "đơn kiện hình sự dựa trên lời khai của những người sống sót sau các cuộc tấn công vào tháng 8/2013".
Theo luật sư Michael Chammas của phía nguyên đơn, bước dự kiến tiếp theo sẽ là việc Interpol ban hành lệnh "truy nã đỏ".
Chính phủ Syria bị cáo buộc đã sử dụng hơi gas độc tại quận Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Khu vực này khi ấy là căn cứ của quân nổi dậy mà chính quyền Syria đã cố gắng giành lại trong hơn một năm.
Chính quyền này cho rằng quân nổi dậy đã thực hiện các cuộc tấn công hóa học trên.
Theo hãng tin Reuters, lệnh bắt giữ dành cho nguyên thủ quốc gia đang đương nhiệm là rất hiếm, vì những người này thường có quyền được miễn truy tố.
Tuy nhiên, luật pháp quốc tế đặt ra các ngoại lệ nếu nguyên thủ quốc gia đó bị cáo buộc cho tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hay tội diệt chủng.
Theo Tuổi trẻ