Tung tin sai sự thật, người trẻ nhận kết đắng

18/04/2020 11:46

Do thiếu hiểu biết lại thích "câu like", nhiều người trẻ tuổi đã đăng tải, lan truyền những thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận.

Công an huyện Tứ Kỳ làm việc với một đối tượng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Dịch Covid-19 làm người dân lo lắng, nhưng nhiều thanh niên lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi tung tin đồn thất thiệt, chia sẻ tin giả trên mạng xã hội. Không ít người trẻ tuổi bị xử lý vì hành vi nông nổi của mình.

Lan truyền tin giả

Cuối tháng 1, trên trang Facebook cá nhân có tên “Vạn Sự Tuỳ Duyên”, Nguyễn Văn Đức sinh năm 1990, ở thôn Lâm, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đăng thông tin: "Chính thức công ty bên Minh Đức là 2 anh nước ngoài đang làm việc thì gục xuống, đề nghị mai mấy anh em công nhân nghỉ làm để bảo vệ gia đình nhá, thông tin mới nhất của mấy bác đang làm phải bỏ về gấp vì sợ". Nhiều bạn bè, người quen của Đức đã nhanh chóng chia sẻ thông tin thất thiệt này làm cho dư luận "dậy sóng".  

Đến cuối tháng 3, Ngô Quốc Phong sinh năm 1993, ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) đăng trên trang Facebook của mình thông tin một người ở xã này đang cách ly tại Hà Nội nhưng trốn về quê. Thông tin sai sự thật trên nhanh chóng nhận được trên 200 lượt thích và chia sẻ, 300 bình luận, làm cho nhiều người rất lo lắng.

Ngoài những vụ việc trên, không hiếm người trẻ còn phát tán, chia sẻ văn bản giả mạo Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục đồng ý cho học sinh nghỉ học, đưa thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Hải Dương, huyện Kim Thành…

Không chỉ tại Hải Dương, thời gian qua, một bộ phận giới trẻ đã lan truyền đủ loại tin đồn thất thiệt như ăn trứng luộc thoát nạn diệt vong, Covid-19 có thể được diệt bằng cách xông hơi, uống nước nóng, bôi thuốc mỡ có kháng sinh vào mũi, dùng thức ăn có nhiều chất kiềm… Nhiều thanh niên còn sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tải những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, bôi nhọ đời tư của một số bệnh nhân Covid-19.

Nhiều thanh niên thông tin sai sự thật về Covid-19 đã bị cơ quan chức năng xử lý với các hình thức, mức độ khác nhau. Riêng Ngô Quốc Phong bị phạt 10 triệu đồng và phải gỡ bài, đăng thông tin đính chính.

Thích "câu like"

Giới trẻ vốn nhanh nhạy với công nghệ, sử dụng cùng lúc nhiều tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… Có nhiều bạn bè trên mạng xã hội nên khi họ vô tình hoặc cố tình đăng tải, chia sẻ, thông tin thất thiệt sẽ dễ gây hoang mang cho nhiều người.

Chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật, tâm lý thích “câu like”, “câu view” khiến nhiều người trẻ bị vi phạm như thời gian qua. Một bộ phận giới trẻ là công chức, viên chức tuy có hiểu biết nhưng do chủ quan đã vội vàng chia sẻ thông tin.

Nhiều người trẻ còn thể hiện sự kém văn minh trên môi trường mạng. Phải kể đến như việc vào trang cá nhân của các cầu thủ nổi tiếng thế giới để chửi bới, sẵn sàng tấn công những người trái quan điểm, rộ làn sóng xin link clip “hot”… Vì những ứng xử thiếu văn hóa trên internet như vậy nên cuối tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã rơi vào top 5 nước kém văn minh internet trên thế giới trong một cuộc khảo sát do Microsoft thực hiện.

Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, Trưởng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông), những việc làm trên đều là hành động ứng xử thiếu văn minh trên mạng xã hội. Trong thời điểm cả nước đang dồn sức chống dịch như hiện nay, việc chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật trên mạng xã hội sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường, gây tổn thất lớn cho cả cá nhân, tổ chức kinh tế và cộng đồng. "Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dùng internet, nhất là đối với thanh thiếu niên. Tăng cường giám sát, điều tra, xử phạt nghiêm các đối tượng tung tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội, như vậy ý thức người dùng internet, nhất là dùng mạng xã hội sẽ được nâng cao hơn”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.

VIỆT QUỲNH

Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15.4.2020. Theo nghị định trên, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt trên các trang mạng xã hội sẽ có mức xử phạt lên đến 30 triệu đồng. Cụ thể, phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận. Mức phạt này cũng được áp dụng với một số hành vi khác như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc… Mức phạt còn tăng lên tới 30 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ những thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã đăng tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tung tin sai sự thật, người trẻ nhận kết đắng