Nông thôn an toàn

15/03/2023 11:00

Trong xây dựng nông thôn mới, Hải Dương luôn quan tâm bảo đảm an ninh trật tự, giúp người dân yên tâm làm ăn.


Công an huyện Cẩm Giàng huấn luyện kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho nhân dân

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm xây dựng nông thôn an toàn về an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho người dân sinh sống, làm ăn.

Đa dạng mô hình bảo đảm an ninh trật tự   

Từ sự tích cực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và nhân dân, nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự từ xóm đến xã được hình thành và hoạt động hiệu quả trong những năm qua.

Tại xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ), mô hình "Tiếng kẻng an ninh" đã hình thành ở cả 5 thôn, kịp thời phát hiện và huy động sức mạnh nhân dân vào việc phòng ngừa, tố giác, đấu tranh với tội phạm. Các thôn sẽ đánh kẻng báo động khi có đối tượng trộm cắp tài sản, gây mất an ninh trật tự, xảy ra thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn. Hằng ngày, vào lúc 22 giờ, tiếng kẻng vang lên để nhắc nhở mọi người ai về nhà nấy, tạm dừng các hoạt động trong các đám cưới, đám tang, quán dịch vụ bi-a, karaoke, internet... Đây cũng là thời điểm lực lượng làm nhiệm vụ của mô hình sẽ đi tuần tra, kiểm tra an ninh trật tự. 

Lãnh đạo Công an xã Cộng Lạc cho biết từ khi có mô hình "Tiếng kẻng an ninh" ở các thôn, tình trạng trộm cắp, gây rối giảm nhiều so với trước. Thông qua "Tiếng kẻng an ninh", Công an xã phối hợp với quần chúng nhân dân các thôn đã bắt giữ, xử lý 2 vụ trộm cắp tài sản và ngăn chặn nhiều vụ việc liên quan đến trật tự.

Cùng với quan tâm tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác, đấu tranh với tội phạm, để tăng thêm "tai, mắt" cho chính quyền, cơ quan chức năng, nhiều thôn, xã lắp đặt hệ thống camera an ninh. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, xã Thanh Quang (Nam Sách) đã lắp đặt 16 camera giám sát tại 11 điểm là những tuyến đường quan trọng, khu vực chợ, một số địa điểm công cộng... Hệ thống camera này đã giúp lực lượng chức năng của huyện, xã truy tìm được 2 đối tượng gây tai nạn giao thông và phát hiện, xử lý một vụ sử dụng đất công không đúng mục đích. Tổng kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát của xã gần 300 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên và xã hội hóa.

Các địa phương cũng đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, Công an huyện Thanh Miện đã chỉ đạo Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phối hợp với Công an các xã thành lập các mô hình tổ tự quản về công tác phòng cháy, chữa cháy. Mỗi tổ chữa cháy có khoảng 100 thành viên, được trang bị máy bơm chữa cháy lưu động, các lăng vòi chữa cháy, quần áo, mũ ủng, dụng cụ phá dỡ (búa, rìu, xà beng...) cùng hàng trăm bình chữa cháy. Kinh phí hoạt động của các tổ do cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tự đóng. Công an huyện hướng dẫn các tổ tập luyện, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng chữa cháy, cách tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, tổ chức chữa cháy cứu nạn, cứu hộ ban đầu.

Theo Công an tỉnh, giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh xây dựng, nhân rộng và duy trì hiệu quả 19 loại hình với gần 2.200 mô hình "Tự quản, tự phòng ngừa, tự bảo vệ an ninh Tổ quốc", duy trì 46 cụm liên kết tại các địa bàn giáp ranh. Toàn bộ 178 xã trong tỉnh được công nhận đạt danh hiệu "An toàn về an ninh trật tự".


Công an xã Lai Vu tổ chức tuần tra đêm bảo đảm an ninh, trật tự cho nhân dân (ảnh cơ quan công an cung cấp)

Ngày càng tốt hơn

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, từ năm 2019, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.032 công an chính quy ở các xã, thị trấn, trung bình có 5,5 cán bộ/địa phương. Lực lượng công an xã tích cực thực hiện cuộc vận động, phong trào Công an nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ, lắng nghe ý kiến của dân, nhất là phương châm hành động "Lúc dân cần, lúc dân khó, có công an".

Công tác bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Các xã đều chủ động, kịp thời xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự đến các ban, ngành, đoàn thể, thôn, làng. Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng công an chủ động nắm chắc tình hình nội bộ nhân dân, kịp thời tham mưu cấp uỷ, chính quyền các biện pháp giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh nông thôn ngay ở cơ sở, không để phát sinh, hình thành "điểm nóng". Đồng thời, tham mưu thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự".

Lực lượng công an luôn chủ động đẩy mạnh công tác phòng ngừa và tổ chức nhiều đợt cao điểm đấu tranh tấn công trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của các băng nhóm tội phạm, không để tội phạm lộng hành; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội như ma túy, trộm cắp, cờ bạc, các vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, không có tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông thôn an toàn