“Phao cứu sinh” cho người lao động và doanh nghiệp

12/10/2021 07:28

Tại Hải Dương, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được thực hiện kịp thời, nhanh chóng.


Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Đại dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người lao động. 

7 tháng trước, chị Nguyễn Thị Oanh (31 tuổi, ở xã Yết Kiêu, Gia Lộc) nghỉ việc do công ty nơi chị làm việc không bảo đảm được việc làm cho người lao động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mất việc, chị Oanh lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. 2 con còn nhỏ đang tuổi ăn học. Chị Oanh đã mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng đều không được nhận với lý do doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng thêm người vì sản xuất ngưng trệ.

Sau khi nhận được thông tin về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24.9 của Chính phủ, chị Oanh khai báo thông tin qua ứng dụng VssID (Bảo hiểm Xã hội số) trên điện thoại di động. Sau 5 ngày khai báo, chị Oanh đã nhận được khoản tiền hỗ trợ 2,1triệu đồng qua tài khoản vì có 26 tháng đóng BHTN. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn nhưng thực sự ý nghĩa đối với gia đình chị trong thời điểm này.

Chiều 8.10, 10 lao động ở Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tân Phong ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền 22,6 triệu đồng. Mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia BHTN của lao động nên ai nấy đều vui mừng.

Vừa nhận tiền từ ngân hàng chuyển vào tài khoản, chị Nguyễn Thị Hương Sen, kế toán của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tân Phong cho biết, đây có lẽ là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống nhanh nhất. “Bảo hiểm Xã hội huyện lập danh sách gửi cho công ty, bộ phận giải quyết chính sách chỉ cần kiểm tra thông tin và thông báo lại. Chỉ sau đó 3 ngày, lao động đã được nhận tiền hỗ trợ đầy đủ. Thời gian vừa qua, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, công ăn việc làm cho lao động rất khó khăn, vì vậy nguồn hỗ trợ này rất thiết thực và ý nghĩa. Đây là nguồn đồng viên cho tôi cũng như mọi người tiếp tục yên tâm làm việc”, chị Sen chia sẻ.

Chính sách hỗ trợ này như "phao cứu sinh", kịp thời giúp doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất. Công ty TNHH Giầy Continuance Việt Nam ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) có gần 4.000 công nhân. Việc giảm mức đóng xuống 0% vào Quỹ BHTN trong 12 tháng giúp doanh nghiệp sẽ tiết kiệm mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Số tiền này được công ty hỗ trợ cho công nhân phòng chống dịch và giúp đỡ người lao động khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thơm, phụ trách lĩnh vực bảo hiểm của công ty cho biết, công ty được hỗ trợ giảm mức đóng ngay trong ngày 1.10 mà không gặp khó khăn về thủ tục hành chính. 


Nhiều lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất. Ảnh minh hoạ

Kịp thời vào cuộc triển khai Nghị quyết số 116, ngày 1.10, Hải Dương đã cơ bản hoàn thành việc giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho các doanh nghiệp. Đến ngày 10.10, Hải Dương có 382 lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN với số tiền hơn 815 triệu đồng.

Xác định rõ ý nghĩa của gói hỗ trợ từ Quỹ BHTN, Bảo hiểm Xã hội tỉnh bám sát các nghị quyết, quyết định hướng dẫn thi hành để lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng nghiệp vụ và Bảo hiểm Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Theo ông Phan Nhật Minh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, ngành bảo hiểm thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức giao dịch hồ sơ, tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục cho người lao động. “Chúng tôi thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; đồng thời, chỉ đạo phòng chuyên môn làm việc không quản ngại ngày đêm, ngày nghỉ để nhanh chóng, kịp thời đưa gói hỗ trợ đến với người lao động trong thời gian sớm nhất”, ông Minh cho biết.

Do đối tượng hỗ trợ lớn lại có nhiều mức hỗ trợ khác nhau nên công tác truyền thông để lao động và người sử dụng lao động biết và hiểu về chính sách rất quan trọng. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội còn xác định đẩy mạnh, ưu tiên chi trả gói hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng vừa bảo đảm kịp thời vừa hạn chế tiếp xúc để phòng chống dịch bệnh.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, qua rà soát đến ngày 8.10, tỉnh Hải Dương có 5.577 đơn vị được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ BHTN 1% xuống bằng 0% với số tiền hỗ trợ 12 tháng ước hơn 181 tỷ đồng, 313.639 lao động được hưởng tiền hỗ trợ, mức hỗ trợ từ 1,8- 3,3 triệu đồng/người. Đến cuối tháng 10, dự kiến Hải Dương cơ bản hoàn thành chi trả qua tài khoản cho người lao động từ Quỹ BHTN.

NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Phao cứu sinh” cho người lao động và doanh nghiệp