Trong tuyên bố ngày 10.12, nhà lãnh đạo 69 tuổi "cảm ơn Mỹ" vì vừa cấm vận vũ khí Campuchia, bởi nhờ đó khiến ông nhận ra quyết định không dùng vũ khí Mỹ cách đây 27 năm là đúng đắn.
"Hôm nay tôi ra lệnh cho các đơn vị vũ trang rà soát ngay các loại vũ khí, khí tài Campuchia hiện có. Nếu phát hiện vũ khí và trang thiết bị quân sự của Mỹ, hãy cất vào kho và tiêu hủy", Thủ tướng Campuchia ra lệnh trong tuyên bố được phát trên Facebook chiều 10.12.
Mệnh lệnh của ông Hun Sen được cho là nhằm đáp trả lại lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt với Campuchia hôm 8.12 với lý do Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại nước này.
Chiếu theo lệnh cấm của Mỹ, Campuchia sẽ không thể mua các thiết bị lưỡng dụng có thể sử dụng trong dân sự và quân sự, các mặt hàng quân sự và dịch vụ quốc phòng ít nhạy cảm do Mỹ sản xuất, cung cấp.
"Cảm ơn Mỹ vì đã cấm bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Campuchia. Hành động của các ông càng củng cố thêm tính chính danh cho quyết định của tôi vào năm 1994. Khi đó, tôi đã quyết định không chuyển đổi hệ thống vũ khí của Campuchia sang vũ khí Mỹ", Thủ tướng Hun Sen đặt vấn đề.
Theo nhà lãnh đạo Campuchia, những người từng sử dụng vũ khí Mỹ và chiến đấu trên lãnh thổ Campuchia đều thua trận, điển hình như chính phủ của Lon Nol.
"Gần đây nhất như đã thấy ở Afghanistan, những người dùng vũ khí Mỹ đã thua trong cuộc chiến", ông Hun Sen nêu lập luận.
"Tôi tin tưởng lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của các binh sĩ trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia hơn là dựa vào vũ khí", ông Hun Sen tuyên bố, đồng thời cho rằng việc Mỹ cấm vận vũ khí Campuchia là thông điệp cảnh báo tới thế hệ cầm quyền tương lai.
"Hãy nhớ rằng nếu muốn tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng, đừng bao giờ sử dụng vũ khí Mỹ", Thủ tướng Campuchia chốt vấn đề.
Hiện vẫn chưa rõ tác động của lệnh cấm vận vũ khí mà Mỹ áp đặt với Campuchia do Washington không phải là nhà cung cấp vũ khí chính cho Phnom Penh.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia chưa đưa ra bình luận. Quan hệ Mỹ - Campuchia bắt đầu có nhiều vấn đề gây tranh cãi từ năm 2017 khi Washington cáo buộc Phnom Penh vi phạm nhân quyền, dân chủ.
Trong bối cảnh đó, quan hệ Campuchia - Trung Quốc ngày càng gần gũi cả về thương mại, đầu tư lẫn hợp tác quốc phòng. Chính quyền Phnom Penh liên tục phủ nhận cho Bắc Kinh xây căn cứ trên lãnh thổ của nước này hay độc quyền sử dụng quân cảng Ream.
Theo Tuổi trẻ