Ngày 19-5, Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti đã cho đăng bài bình luận có tựa đề “Các thỏa thuận Nga - Trung tốt hơn tất cả mọi tuyên bố”.
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Bài báo đưa ra những luận điểm sai trái về câu chuyện hiện nay ở biển Đông nên lập tức nhận những phản ứng gay gắt từ độc giả.
Tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương, tạp chí của Hội Hữu nghị Việt-Nga - đã bức xúc chỉ ra những sai sót của bình luận viên chính trị Dmitry Kosyrev.
Không phải quan điểm của lãnh đạo Nga Chiều 22-5, ông Evgeny Belov - tùy viên báo chí Đại sứ quán Nga tại Việt Nam - cho biết ông đã báo cáo cho đại sứ Andrey G.Kovtun về bài báo bình luận của RIA-Novosti. Sau khi xem xét nội dung, đại sứ cho biết mọi thông tin và bình luận trong bài báo thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, hoàn toàn không phải là quan điểm chính thức của lãnh đạo nước Nga. H.GIANG |
Chuyến công du Trung Quốc hai ngày (20 và 21-5) của Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự thu hút sự quan tâm sâu rộng của dư luận quốc tế, kể cả ở Việt Nam.
Báo chí Nga và thế giới đăng tải hàng loạt bài phân tích ngay trước, trong và sau chuyến thăm mà cả Trung Quốc và Nga đều cho là “lịch sử” này.
Trong số đó, tôi chú ý đến bài của Dmitry Kosyrev, bình luận viên chính trị Hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay) mà trước đây gọi là Hãng tin RIA-Novosti, được cập nhật lên website của hãng vào trưa 19-5.
Bình luận viên Dmitry Kosyrev làm báo đã khá lâu (từ năm 1979), từng là phóng viên thường trú ở Đông Nam Á, bình luận viên ngoại giao, trưởng ban quốc tế của mấy tờ báo lớn ở Nga và từ năm 2001 đến nay là bình luận viên chính trị của RIA, sau đó là Nước Nga ngày nay.
Chính mấy câu mào đầu bài báo của Dmitry Kosyrev đã khiến tôi lập tức chú ý khi lướt trên trang mạng của hãng tin quốc gia này.
Dmitry Kosyrev phỏng đoán liệu chủ đề “khủng hoảng Ukraine” sẽ được bàn thảo dưới góc độ nào trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin.
Với công việc của mình, thú thật là tôi cũng rất “khát” những phân tích của giới truyền thông quốc tế về tình hình Ukraine và hiển nhiên là không thể bỏ qua chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga.
Ở đây tôi không bàn đến quan điểm của đồng nghiệp Dmitry Kosyrev về những vấn đề quốc tế chung, về quan hệ Nga - Mỹ, Nga - Trung hay về những diễn biến chính trị ở Ukraine.
Nhưng việc Dmitry Kosyrev dùng Việt Nam và Philippines để so sánh với Ukraine rồi coi đây là trường hợp “hầu như giống nhau” trong hai cặp quan hệ chẳng dính dáng gì với nhau là Nga - Ukraine, Trung Quốc - Việt Nam (Philippines), thậm chí rộng hơn nữa là quan hệ Nga - Mỹ, phương Tây và quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây đã khiến tôi từ chỗ ngạc nhiên, khó hiểu đã nổi giận, hết sức công phẫn trước những nhận xét định kiến, cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật của nhà báo Nga này.
Tác giả Dmitry Kosyrev cho rằng Mỹ và phương Tây muốn có một Ukraine láng giềng “làm khó” cho Liên bang Nga và tương tự như vậy, Mỹ và phương Tây muốn đẩy Việt Nam, Philippines đi đến chỗ “quấy phá” Trung Quốc.
Và dưới cái luận điểm chung đó, khi đi vào chi tiết, Dmitry Kosyrev cho rằng trường hợp Việt Nam đối với Trung Quốc cũng có những chuyện rất giống như Ukraine đối với Nga.
Nhà báo này viện dẫn chuyện lãnh thổ thời xưa vốn của Nga, vốn của Trung Quốc mà giờ đây là ở hai nước láng giềng, chuyện ngôn ngữ, văn hóa...
Rất thô bạo, khi đề cập những diễn biến căng thẳng, nguy hiểm mới trên Biển Đông mà ai cũng biết là do việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gây ra, thì nhà bình luận Dmitry Kosyrev lại tung ra những lời lẽ không thể chấp nhận được rằng vị trí đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Trung Quốc 27km và cách bờ biển Việt Nam 241km!
Tôi thật sự không muốn nêu lại ở đây nhiều chi tiết sai trái từ bài báo của người đồng nghiệp ở Hãng tin quốc tế Nước Nga ngày nay (thực tế là gần đây hãng này đã được cải tổ từ RIA-Novosti để đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại nặng nề hơn của Nhà nước Nga trong tình hình mới).
Có thể nói gì về những bình luận “độc đáo” của nhà báo này, vốn được đào tạo chính quy là một nhà sử học, nhà phương Đông học tại lò đào tạo của Đại học Tổng hợp Lomonosov?
Dường như Dmitry Kosyrev chỉ “nghiên cứu” tài liệu của một phía và có sẵn định kiến một chiều để “trình làng” những đánh giá nhầm lẫn, chủ quan của mình.
Ở phần đầu bài báo, có lẽ để tăng phần “hấp dẫn”, Dmitry Kosyrev đã dự báo rằng chủ đề Ukraine trong cuộc hội đàm tại Thượng Hải là một “bài toán đau đầu”.
Nhưng với những phân tích chủ quan, những so sánh khiên cưỡng, sai lệch của mình, có lẽ Dmitry Kosyrev đã khiến cho người đọc Nga đau đầu, rối trí hơn nữa.
Cũng may, theo quan sát của tôi, ở Nga có ít nhà bình luận như Dmitry Kosyrev.
NGUYỄN ĐĂNG PHÁT(Tuổi trẻ)