Bên cạnh việc tạo động lực cho các địa phương phát triển trong giai đoạn qua, việc phân chia tỷ lệ phần trăm nguồn thu từ đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn Hải Dương vẫn còn bộc lộ những hạn chế.
Đường huyện ĐH01 huyện Ninh Giang được cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 từ nguồn thu tiền sử dụng đất
Thường trực HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu từ đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh và thực hiện cơ chế đặc thù về tiền đất đối với TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn giai đoạn 2015-2020 nhằm xem xét, ban hành các chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế.
Chưa tận dụng tối đa nguồn lực
Bên cạnh việc tạo động lực cho các địa phương phát triển trong giai đoạn qua, việc phân chia tỷ lệ phần trăm nguồn thu từ đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh và thực hiện cơ chế đặc thù về tiền đất đối với TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn giai đoạn 2015-2020 còn bộc lộ một số hạn chế. Ngân sách cấp huyện, cấp xã vượt thu rất lớn trong nhiều năm nhưng số thu điều tiết về ngân sách tỉnh chưa nhiều, gây ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn lực. Số thu của nhiều địa phương tăng cao so với dự toán nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện thuận lợi về giao thông, công nghiệp...
TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn hưởng cơ chế đặc thù, có số thu cao nhưng chưa tạo ra sự đột phá so với các địa phương còn lại. Việc tăng thu từ đất của các địa phương trong giai đoạn 2015-2020 chủ yếu do yếu tố thị trường, các dự án khu dân cư, điểm dân cư được bán chủ yếu theo hình thức phân lô bán nền, lợi nhuận thấp. Nguồn kinh phí thu được từ việc xử lý đất dôi dư phần lớn được để lại cho ngân sách cấp xã. Đơn giá và quy trình thủ tục xử lý đất dôi dư đơn giản hơn so với việc xử lý đất xen kẹp nên có tình trạng một số xã vận dụng chuyển sang hình thức xử lý đất dôi dư, một số địa phương chỉ tập trung xử lý đất dôi dư...
Bước vào thời kỳ ổn định ngân sách mới, với nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi nguồn lực lớn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều địa phương vẫn đề nghị tiếp tục được hưởng cơ chế đặc thù hoặc đề xuất các tỷ lệ phân chia mới theo hướng có lợi hơn cho cấp huyện, cấp xã. Ví dụ, các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng, Ninh Giang... đều đề xuất ngân sách cấp xã được hưởng 100% nguồn thu tiền đất dôi dư (hiện hành là tỉnh 10%, huyện 10%, xã 80%); nguồn thu tiền đất xen kẹp chia ngân sách huyện 40%, ngân sách cấp xã 60% (hiện hành là tỉnh 10%, huyện 40% và xã 50%)...
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với thị xã Kinh Môn về việc thực hiện cơ chế đặc thù về tiền đất
Cần có trọng tâm, trọng điểm
Chủ trì giám sát tại TP Hải Dương và huyện Bình Giang, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các địa phương phải xác định mục tiêu phát triển trong 5 năm tới, trong đó đặt rõ các mục tiêu mới, xây dựng kế hoạch cụ thể về các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm do cấp huyện làm chủ đầu tư; đề xuất cụ thể giải pháp phù hợp đề nghị tỉnh tập trung hỗ trợ... Đồng chí yêu cầu cần nâng cao hiệu quả chi đầu tư công, tránh dàn trải, nhỏ lẻ...
Xây dựng phương án về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu từ đất giữa các cấp ngân sách cho giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu tạo sự phát triển đồng đều, bảo đảm tính công bằng giữa các địa phương cũng là kiến nghị của nhiều lãnh đạo các sở, ngành tham gia các đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng tính tự chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp nhưng vẫn phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách cấp trên, vừa phát huy được tối đa tiềm năng nguồn lực của ngân sách cấp dưới. Bên cạnh việc xem xét, ban hành tỷ lệ điều tiết hợp lý cần có cơ chế giao cho các địa phương làm chủ đầu tư một số dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác và sử dụng 100% quỹ đất tạo nguồn của địa phương. Nên xem xét việc phân chia tỷ lệ phần trăm căn cứ cụ thể vào từng công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm làm động lực phát triển...
Các địa phương cần nhanh chóng thay đổi tư duy, cách làm trong đầu tư các dự án khu dân cư, điểm dân cư, khu đô thị theo hướng hiện đại, phát triển. Hạn chế tối đa tình trạng phân lô bán nền, kiên quyết không chấp nhận đầu tư đối với các dự án dưới 2 ha (trừ trường hợp thật sự cần thiết). Ưu tiên xử lý đất xen kẹp nhỏ lẻ thành công trình công cộng, công viên, cảnh quan.
Dự kiến trong kỳ họp tới, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét việc phân chia tỷ lệ phần trăm nguồn thu từ đất giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh nhằm ổn định ngân sách giai đoạn mới, tiếp tục phát huy nguồn lực từ đất, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho các địa phương.
Theo chính sách hiện hành, TP Hải Dương, TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn hưởng cơ chế đặc thù được phân chia 100% nguồn thu tiền sử dụng đất. Các địa phương còn lại được hưởng theo tỷ lệ phần trăm phân chia giữa các cấp ngân sách. Theo đó, nguồn thu từ tiền đất của các dự án trên địa bàn cấp huyện chia ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30%; các dự án thuộc cấp xã chia ngân sách tỉnh 10%, ngân sách huyện 60%, ngân sách xã 30%. Đất trụ sở do tỉnh quản lý chuyển mục đích sử dụng nộp ngân sách tỉnh 100%, đất trụ sở do huyện quản lý chia ngân sách tỉnh 50%, ngân sách huyện 50%; thu từ xử lý đất dôi dư chia ngân sách tỉnh 10%, ngân sách huyện 10%, ngân sách xã 80%... |
THU MINH