Phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Hiến pháp

05/11/2013 17:32

Ngày 5-11, Quốc hội (QH) dành cả ngày làm việc thứ 13 để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Thu hồi đất đai là nội dung còn nhiều đại biểu có ý kiến góp ý chỉnh sửa.
Trong ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình). Ảnh: TTXVN


Tán thành giữ nguyên điều 4


Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ.

Báo cáo nêu rõ: về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại điều 4. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào điều 4.

Vấn đề này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, Ban soạn thảo không bổ sung từ “duy nhất” vào điều này.

Đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đánh giá Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt


Thảo luận về chương IX: Chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được thành lập ở cấp nào?

Đại biểu Thường nêu quan điểm: đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải là số ít, thậm chí là số 1, là duy nhất. Tình trạng nhiều đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ làm hệ thống pháp luật thiếu thống nhất. Đại biểu đề nghị QH cân nhắc kỹ và quy định cụ thể trong Hiến pháp nội dung này.

Thảo luận về Điều 114 quy định UBND do HĐND bầu hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn, đại biểu Thường cho rằng chúng ta đã thí điểm bỏ HĐND nhưng đến nay chưa đủ thời gian để quyết định có nên bỏ hay không và đang tiếp tục thí điểm. Theo đại biểu Thường, trước mắt nên giữ nguyên tổ chức HĐND như Hiến pháp hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, trong khi đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì quy định như dự thảo là hợp lý, có tính khái quát cao và tạo cơ sở lý luận cho việc đổi mới chính quyền địa phương...

Đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND nhằm khẳng định cụ thể nội hàm của chính quyền địa phương. Đại biểu Thu đồng tình với quy định HĐND và UBND được thành lập ở các các cấp đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành, song cần có cơ chế không có HĐND ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và hải đảo nhằm bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện Hiến pháp.

Tránh thu hồi đất đai tràn lan


Vấn đề thu hồi đất cũng là nội dung nhiều đại biểu có ý kiến góp ý chỉnh sửa.

Đại biểu Trần Đình Thu cho biết, hiện nay vấn đề thu hồi đất đai còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến của cử tri, và chưa có tính ổn định. Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của người dân, vừa qua, nhiều sự việc gây bức xúc cho người dân do thu hồi đất đai. Vì vậy, cần hiến định chặt chẽ về việc thu hồi đất đai; thật cần thiết mới thu hồi, tránh thu hồi tràn lan. “Trong Hiến pháp, về thu hồi đất đai, chỉ cần ghi là vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng là đủ”, đại biểu Thu nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên tán thành cần phải quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân, cần có quy định chặt chẽ trong việc thu hồi, tránh việc lạm dụng thu hồi đất, tránh thu hồi đất đai tràn lan, làm ảnh hưởng đến người dân. “Tôi còn băn khoăn về việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần bảo đảm quyền, lợi ích của người người dân, giảm thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi”, đại biểu Nhiên góp ý.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt vấn đề: “Dự thảo quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước được quản lý theo pháp luật và quy hoạch. Tôi rất băn khoăn về chữ quản lý theo quy hoạch. Nếu quy định quản lý theo quy hoạch thì vô hình trung chúng ta đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật, mà thực tiễn thì quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp như xã, huyện, tỉnh, quốc gia, quy hoạch ngành, vùng… Các quy hoạch không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế, điều chỉnh nhiều lần. Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai. Nếu lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai thì tôi e rằng không ổn, dễ bị lợi dụng. Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên để luật định”.

Liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, đại biểu Hùng phân tích: “Ở đây có quy định là người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất. Ghi như vậy rất cụ thể nhưng rất thiếu bởi vì người sử dụng đất có rất nhiều quyền: quyền sang nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản, góp vốn… Mặt khác, thực chất quyền sử dụng đất hiện nay chính là quyền tài sản. Tuy trong văn bản chưa ghi nhưng trong thực tiễn nó chính là tài sản. Người dân muốn có quyền sử dụng đất thì người ta phải bỏ tiền ra để mua. Đó là tài sản. Tôi đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản mới công bằng. Quy định như vậy sẽ làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất đó là quyền tài sản mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ và khách quan. Mặt khác, người sử dụng đất cũng phải có nghĩa vụ khai thác, sử dụng hiệu quả, không để hoang hóa. Do đó, cần quy định rõ là: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất có nghĩa vụ khai thác có hiệu quả theo quy định của pháp luật”.

Hôm nay 6-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về các Dự án: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Phiên họp buổi sáng được phát thanh, truyền hình trực tiếp.


TTXVN - TN - TT

(0) Bình luận
Phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong Hiến pháp