Phải xử lý gốc rạ

01/07/2016 06:33

Chở được xe rạ về đến đầu làng, gặp chị Thuận gồng gánh thứ gì đó mang ra đồng, chị Lược chào:


- Cô đã gieo mạ đấy à?

- Không, em đi xử lý gốc rạ, bao này là vôi bột. Vụ chiêm năm nay thu hoạch muộn vài ngày, gốc rạ lại tốt nên em mua vôi về khử cho đất nhanh ngấu nhuyễn để chuẩn bị sản xuất vụ mùa chị ạ.

Chị Lược gật đầu:

- Vụ chiêm đã vậy, sản xuất vụ mùa gấp gáp nên càng phải gặt đến đâu làm đất ngay đến đó. Hơn nữa đề phòng lúa mùa bị ngộ độc hữu cơ, cô cần phải tập trung xử lý gốc rạ.

Nghe chị Lược nói, chị Thuận mỉm cười:

- Nhiều hộ coi thường việc xử lý gốc rạ. Qua theo dõi em thấy về sau lúa đều có biểu hiện sinh trưởng, phát triển kém, cho năng suất không cao…

- Vì trong gốc rạ có chứa nhiều thành phần hữu cơ rất khó phân hủy. Nếu xuống giống quá nhanh, gốc rạ không đủ thời gian phân hủy, gặp nhiệt độ cao sẽ sinh ra khí độc tác động tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa - chị Lược tiếp lời.

- Vâng, em còn nghe nói là để phòng lúa bị ngộ độc hữu cơ, cùng với việc xử lý gốc rạ, khi làm đất chúng ta cần phải cày sâu, bón lót bằng phân chuồng, phân có hàm lượng vi sinh cao, sử dụng máy gieo sạ hoặc có thể cấy thủ công nhưng nên cấy thưa…

Chị Lược vui vẻ nói:

- Vừa có kinh nghiệm thâm canh, vừa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo sao năng suất lúa hằng năm của chúng ta tăng cao cô nhỉ.

HOÀNG NẾT


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải xử lý gốc rạ