Phải trẻ về tư duy

08/01/2015 17:48

Khi nói đến trẻ hóa cán bộ, người ta thường gắn với khái niệm trẻ về độ tuổi mà ít quan tâm đến trẻ về tư duy, về đổi mới phương pháp công tác.


Nhưng không phải cứ trẻ về tuổi đời mà đã có tư duy trẻ, nếu không đổi mới phương pháp công tác, không chịu tìm tòi sáng tạo, mà cứ "vác" cái hôm trước, năm trước, của người đi trước ra áp dụng thì hiệu quả công việc không cao.

Trước đây, công tác mặt trận thường gắn với những cán bộ già, "các cụ mặt trận". Bởi để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mặt trận thì cần những người có kinh nghiệm công tác, có uy tín, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để đi sâu, tiếp cận, tuyên truyền vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Khi có những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân thì  cán bộ mặt trận "có tuổi" sẽ có lợi thế hơn khi tiếp cận để làm công tác hòa giải.

Tuy nhiên, trước đây, thậm chí hiện nay vẫn còn tư duy bố trí về cơ quan mặt trận những người khó sắp xếp ở chỗ này, chỗ kia, hoặc năng lực hạn chế. Người giỏi, những người năng lực khá cũng không muốn về công tác ở MTTQ bởi nhiều lý do tế nhị. Do vậy, đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp được đánh giá là chất lượng thấp, có nhiều hạn chế cần khắc phục. Thời gian gần đây, cán bộ chuyên trách của cơ quan MTTQ các cấp được trẻ hóa, công chức hóa qua thi tuyển ngày càng tăng lên, nhưng lại có cái khó trong hoạt động nếu như không biết cách kết hợp giữa cán bộ chuyên trách và đội ngũ ủy viên Ủy ban MTTQ. Vì vậy, cần gắn việc trẻ hóa cán bộ MTTQ với việc đề  ra các giải pháp nâng cao năng lực hoạt động MTTQ.

Từ thực tiễn cho thấy, trước hết phải biết phát huy vai trò của các tổ chức thành viên. Cần có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa Ban thường trực và các tổ chức thành viên một cách nhịp nhàng, khoa học để đạt kết quả cao nhất, mỗi tổ chức lựa chọn những nội dung hoạt động phù hợp với tình hình, đặc điểm của tổ chức mình để vận động hội viên thực hiện đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, cần huy động và sử dụng trí tuệ các ủy viên Ủy ban MTTQ. Ban thường trực MTTQ cấp tỉnh, huyện cần tổ chức các hội đồng tư vấn, các ban tư vấn, có cơ chế đặt hàng, giao việc để các hội đồng, ban tư vấn có nội dung hoạt động, đồng thời bảo đảm các điều kiện và kinh phí cho hoạt động của họ.

Thứ ba, nâng cao năng lực tham mưu và tổ chức hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách MTTQ các cấp. Mọi hoạt động của Ủy ban MTTQ ở mỗi cấp đều cần có sự tham mưu, triển khai, kết nối và điều phối tổ chức hoạt động ở mỗi cấp nhưng không có nghĩa họat động của MTTQ là hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyên trách với các ủy viên ủy ban, các tổ chức thành viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của MTTQ Việt Nam. Đội ngũ cán bộ chuyên trách là hạt nhân, là sự kết nối mọi hoạt động của MTTQ, vì thế đội ngũ cán bộ chuyên trách cần thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao năng lực tham mưu, kỹ năng tổ chức hoạt động.

Thứ tư, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và nội dung công việc cụ thể của MTTQ ở mỗi cấp. Chức năng, nhiệm vụ quy định trong Hiến pháp, trong Luật Mặt trận, trong điều lệ là quy định chung cho các cấp mặt trận, nhưng từng cấp có nội dung và phương thức hoạt động khác nhau. Vì thế cần xác định cụ thể cấp mình làm gì, cấp dưới làm gì, cái gì là chỉ đạo, cái gì là kiểm tra hướng dẫn phải thật rõ ràng cụ thể.

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Phải xác định đúng chức trách, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của mỗi cấp, mỗi tổ chức thành viên. Đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tạo điều kiện để cơ sở hoạt động hiệu quả, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân. Hoạt động của mặt trận là hoạt động của nhân dân, do vậy việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiến tiến, mô hình mới, hoạt động tự quản của nhân dân cũng là nội dung đổi mới cần chú ý. Ngay trong hoạt động giám sát của mặt trận cũng xác định: qua giám sát phát hiện những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để phổ biến nhân rộng.

Thứ sáu, chọn việc để làm. Phải xác định rõ cấp mình làm trực tiếp việc gì và việc gì là hướng dẫn, kiểm tra. Trong mỗi nội dung hoạt động cũng cần biết chọn nội dung gì để tập trung nhân lực, vật lực thực hiện. Ví dụ, trong hoạt động giám sát, bức xúc của xã hội, yêu cầu của nhân dân thì rất nhiều, nên phải lựa chọn nội dung nào thiết thực nhất, cần thiết nhất để làm trước, tập trung làm cho đến nơi đến chốn, đạt hiệu quả cao, tránh làm cho có việc, hình thức. Trong phản biện xã hội, phải lựa chọn những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, ảnh hưởng đến số đông người dân để tổ chức phản biện.

LƯƠNG ANH TẾ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải trẻ về tư duy