Sáng 24-10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường, thảo luận về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh): Nếu quy định cá nhân nước ngoài được phép mua nhà là những người được nhập cảnh vào Việt Nam thì dễ dãi quá, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ làm lũng đoạn thị trường. Ảnh: TTXVN
|
|
Đồng ý cho người nước ngoài mua nhàĐa số đại biểu đồng ý quy định cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ, tránh tình trạng lũng đoạn thị trường. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được nhiều nước áp dụng. Cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là một biện pháp quan trọng để xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cho rằng quan điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị dự thảo luật cần quy định chặt chẽ điều kiện người nước ngoài được mua nhà. “Nếu quy định cá nhân nước ngoài được phép mua nhà là những người được nhập cảnh vào Việt Nam thì tôi hơi băn khoăn vì đối tượng quá rộng, không tính đến thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh. Quy định dễ dãi quá, chẳng hạn như chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch cũng được mua nhà thì dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ làm lũng đoạn thị trường. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng quy định rõ đối tượng được mua nhà gắn với mục đích sở hữu", đại biểu Minh phân tích.
Liên quan đến quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu là từ khi người mua nhận bàn giao nhà là không hợp lý vì hiện nay có nhiều dự án người mua chỉ mới thanh toán 70% giá trị hợp đồng, thậm chí 50% đã được bàn giao nhà. “Trường hợp nhận bàn giao nhà khi chưa thanh toán đủ tiền mà đã bàn giao nhà thì khả năng phát sinh tranh chấp quyền sở hữu nhà ở là rất cao. Thực tế thời gian qua tình trạng tranh chấp nhà ở xảy ra khá phổ biến, thậm chí có tình trạng một căn nhà được bán cho nhiều người”, ông Vinh phân tích. Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị quy định thời điểm chuyển quyền sử dụng nhà là thời điểm người mua đã thanh toán đủ tiền cho người bán.
Cưỡng chế thu hồi nếu không trả nhà công vụĐại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị cần thu hẹp đối tượng được hưởng chính sách nhà công vụ. Lý do là dự thảo lần này đã bổ sung nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Việc thu hẹp đối tượng nhà công vụ để họ tiếp cận thị trường nhà ở xã hội, điều này theo ông Vinh sẽ giúp tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nhà ở công vụ, trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Vinh đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, tiêu chí được thuê nhà ở công vụ. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ thời hạn thuê nhà ở công vụ trong 1 năm, hết thời hạn thì phải trả lại nhà ở công vụ, đồng thời cần nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà ở công vụ và có chế tài xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ. Đáng chú ý, ông Phan Trung Lý cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng quy định rõ việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ. “Việc quy định thời hạn cho thuê nhà ở tương ứng với thời hạn đảm nhận chức vụ, công tác để người thuê yên tâm làm việc. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đi nơi khác, người thuê nhà công vụ có trách nhiệm trả lại, nếu không tự nguyện trả sẽ bị cưỡng chế thu hồi”, ông Lý nói.
Bảo vệ quyền lợi bên mua, thuê mua bất động sảnChiều 24-10, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn đối với một thực trạng hiện nay là nhiều chủ đầu tư sử dụng tiền của bên góp vốn mua, thuê mua bất động sản vào mục đích khác. Đại biểu Lịch cho rằng quy định về “thanh toán trong bán, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai” cần sửa lại theo hướng bắt buộc tiền gốc phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định và ghi trên hợp đồng; tiền ký gửi này chỉ được giải ngân khi thực hiện công trình mà người góp vốn, cấm sử dụng vào mục đích khác ngoài công trình; người góp vốn hoặc đại diện người góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng, chủ đầu tư thông báo công khai, minh bạch việc sử dụng. Tỷ lệ góp vốn lần đầu là 30% và tỷ lệ nộp tối đa cuối cùng là 95% cho đến khi người góp vốn được cấp quyền sử dụng nhà; phần giữa sẽ do chủ đầu tư và người góp vốn thương lượng. Quy định này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người góp vốn, tránh tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng, lợi dụng chính sách để sai phạm.
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), ban soạn thảo cần nghiên cứu các quy định phần thu, mức thu ứng trước của khách hàng đối với chủ đầu tư để phù hợp với tiến độ công trình, bởi nếu công trình mới xong phần móng, chủ đầu tư đã thu ngay 50-70% giá trị hợp đồng sẽ dẫn đến số tiền đó bị sử dụng vào mục đích khác, gây thiệt hại cho người mua...
TTXVN-TT-NA
Ngày 25-10, QH dành phần lớn thời gian làm việc tại hội trường nghe báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo về công tác thi hành án. Từ 16 giờ, QH họp riêng về tình hình Biển Đông. Chủ nhật, ngày 26-10, QH nghỉ. |