Đến thăm ông Tấn, một ông bạn nghiện thuốc lá mấy chục năm nay, tôi ngạc nhiên thấy trên bàn không còn chiếc gạt tàn thuốc:
- Giã từ “nàng khói” thật rồi à? - tôi hỏi.
- Rồi, không “giã” không được!
- Bị ho nhiều hay là ốm yếu quá mà bỏ?
- Cũng có một phần nhưng chính là từ cái bà này - ông chỉ tay về bà vợ từ dưới bếp đi lên.
Bà Tấn cười đon đả:
- Hai ông lại nói xấu gì tôi đấy?
- Ai dám nói xấu bà, khen thì có - ông Tấn vội chối.
- Ông chỉ được cái hay nịnh vợ. Tôi làm gì mà được khen?
Rồi bà Tấn lại xuống bếp cơm nước. Đến lúc ấy ông Tấn mới pha trà mời tôi rồi thủ thỉ. Chả là từ ngày thôn được công nhận 5 năm liền là làng văn hóa, có thêm một số quy định mới. Bắt đầu là việc cưới xin, việc tang, hội hè không có thuốc lá, vận động người nghiện giảm dần rồi bỏ hẳn, giáo dục thanh niên, học sinh “nói không với thuốc lá”… Riêng Chi hội Phụ nữ thì họ có cái “võ” phải nói là “ác”. Nếu vận động chồng không bỏ thuốc lá thì…ngủ riêng. Còn cửa hàng tạp hóa, quán nước không được bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi…Thế là vợ chê, con bỏ, không ai muốn “dính” với người nghiện thuốc. Ngoài ra, khi có việc cần đến nơi công cộng, thèm thuốc quá, họ yêu cầu phải ra ngoài, chẳng khác gì một người phạm luật…
- Thì ông phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thật rồi còn gì? - tôi xen vào.
- Phải, đến nước này mình thành người cô độc trong nhà, vợ con xa lánh, xã hội cũng không chấp nhận. Thế thì ông bảo còn lưu luyến gì với “nàng khói” nữa?
- Thảo nào trông ông khỏe hơn, da đỡ tái…
Vừa lúc đó bà Tấn cũng từ bếp đi lên:
- Chú thấy ông xã nhà tôi thế nào?
- Khỏe hơn mấy tháng trước thật. Bà cứ “cầm cương” chắc vào là thành công!
- Tôi luôn bảo ông ấy nếu không bỏ thuốc thì không những tốn tiền, khổ chính người hút mà cả nhà cũng mắc bệnh. Được cái giờ ông ấy đã biết thương vợ, thương con rồi…
- Phải thế chứ ông bạn!
VĂN NGUYỄN