Cách đây đúng 50 năm, ngày 28-12-1962, trong bài viết “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của phụ nữ”, đăng trên báo Nhân dân số 3199, Bác Hồ nhấn mạnh:
“Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy quyền của mình”.
Trong bài viết, Bác nêu rõ, “dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thì họ bị kìm hãm trong xiềng xích "tam tòng". Hiện nay, “dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phụ nữ đã được giải phóng. Hiến pháp đã quy định rõ quyền bình đẳng của phụ nữ. Luật Hôn nhân và gia đình đã công bố rõ ràng”. Theo Người, nói chung thì đồng bào ta đều theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số người làm sai như: con không bằng lòng hoặc con chưa đến tuổi pháp luật đã định mà cha mẹ đã ép buộc cưới vợ, lấy chồng; khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ...
Từ những vấn đề trên, Bác yêu cầu, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường, tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về giải phóng phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng và phát triển một cách toàn diện tư tưởng của Người về vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 1981, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 11/NQ-TW “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Ngày 29-11-2006, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật Bình đẳng giới. Ngày 21-11-2007, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là những văn bản pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, là công cụ pháp lý thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phấn đấu thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam quyết tâm phấn đấu, đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của Bác Hồ.
PHỐ CHÂU(biên soạn)