Ngày 9-11, báo Hải Dương đăng bài “Tệ nạn bủa vây sinh viên”.
Bài báo không chỉ cảnh tỉnh đối với sinh viên, mà còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội.
Phía sau bài báo, câu hỏi được đặt ra là: vì sao bám quanh các trường đại học, cao đẳng lại có quá nhiều cửa hàng cầm đồ, ghi đề, in-tơ-nét... chủ yếu “phục vụ” sinh viên. Nhờ đâu mà các cửa hàng dịch vụ “trá hình” qua mặt được lực lượng chức năng? Chất lượng đào tạo và công tác quản lý sinh viên hiện nay ra sao?
Ai cũng biết, nếu nhà trường không còn giữ được sự an toàn cho sinh viên thì chất lượng đào tạo sẽ giảm sút. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho việc tuyển sinh gặp khó khăn, “đầu ra” của sinh viên không dễ dàng. Bởi vậy, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường công tác quản lý sinh viên chính là liều thuốc hữu hiệu nhất để giúp sinh viên đủ sức "đề kháng" với tiêu cực và tệ nạn xã hội.
Việc sai phạm của sinh viên cần được mổ xẻ theo chiều sâu. Thực tế một số sinh viên mải chơi, học kém nếu họ biết cách “chạy” vẫn được “nâng đỡ”. Việc vi phạm quy chế đào tạo, “chạy điểm, thi" không còn là chuyện hiếm. Do đó, muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải xiết chặt lại thi cử, xiết chặt lại kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sinh viên. Các trường cần có bước đột phá trong khâu quản lý sinh viên. Khắc phục việc biên chế mỏng, thiếu cán bộ có đủ năng lực làm công tác quản lý sinh viên. Lãnh đạo các trường không thể cứ thành lập được Phòng Quản lý sinh viên, đội thanh niên “xung kích” rồi đôi lần họp với Công an cấp xã, với đại diện khu dân cư là xong. Nhằm tránh cách làm hình thức “đánh trống bỏ dùi”, điều cơ bản vẫn là hành động phải cụ thể, thiết thực. Các Phòng Quản lý sinh viên không thể lấy niềm tin thay thế cho giám sát, kiểm tra. Phải xử lý quyết liệt, giải quyết tận gốc vấn đề tệ nạn trong sinh viên bằng nội lực trong nhà trường. Vì vậy, vai trò người đứng đầu các nhà trường vẫn là yếu tố cơ bản. Ở đâu người đứng đầu không năng động nghiêm túc, sáng tạo thì tệ nạn còn bủa vây sinh viên, công tác phòng ngừa, khắc phục chậm phát huy tác dụng. Biểu hiện rõ nhất là tính chủ quan, buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, không xử lý kịp thời những sai sót, vi phạm của cán bộ, giáo viên, sinh viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo các nhà trường cần xốc lại đội ngũ, thực hiện nghiêm quy chế đào tạo, bổ sung, hoàn thiện các khâu quản lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sinh viên mắc các tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh cho thế hệ trẻ.
NGUYỄN HUY THỰC(Chí Linh)