Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác an toàn giao thông sáng 4-1.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo cấm cán bộ, công chức sử dụng rượu bia giờ hành chính và giờ nghỉ trưa - Ảnh: L.K |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần có văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng bia, rượu trong giờ hành chính, nghỉ trưa; thực hiện nghiêm chủ trương không đi chúc Tết lãnh đạo theo đúng tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đồng thời với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cần chú ý đến quy hoạch nhà cao tầng hợp lý trong nội đô.
“Tôi cũng lưu ý là phải xử lý nghiêm các vi phạm, không thể để tình trạng cứ bị dừng xe là rút điện thoại ra gọi, sau đó có tiếng nói người quen là cho đi. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng xử phạt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhắc nhở TP Hồ Chí Minh trong vụ việc người thanh niên lọt hố ga bị chết ngạt, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu điều tra, xử lý và báo cáo nhưng từ tháng 10 đến nay vẫn chưa thấy.
8.685 người chết - con số rất đáng buồn
Báo cáo tại hội nghị này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết năm 2016 không đạt mục tiêu về kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông (TNGT).
Trên toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ TNGT, làm 8.685 người chết, bị thương hơn 19.000 người. So với năm 2015, số người chết chỉ giảm được 43, không đạt mục tiêu đề ra là phải kéo giảm ít nhất 5% số người chết so với năm trước.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích các vụ TNGT cho thấy có hơn 70% vụ tai nạn có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông.
Tỷ lệ tai nạn liên quan đến ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ tai nạn do lái xe ô tô gây ra (chiếm hơn 27% số vụ TNGT đường bộ, trong khi số ô tô chỉ chiếm 6% tổng phương tiện xe cơ giới).
Trong các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, báo cáo đề cập đến tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tái diễn hiện tượng ném đá ô tô, rải đinh, vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ...
Tình hình ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn diễn biến phức tạp, trong năm cả nước xảy ra 41 vụ ùn tắc giao thông kéo dài (chủ yếu là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A). Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra trong các khung giờ cao điểm, khi xảy ra mưa ngập.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa, năm 2016 mặc dù thành phố rất nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, số vụ tai nạn giao thông và số người chết tăng so với năm trước (xảy ra gần 4.000 vụ tai nạn, chết 804 người).
“Đây là con số rất đáng buồn, chúng tôi cũng đã kiểm điểm để tìm nguyên nhân khắc phục”, ông Khoa nói.
Chấm dứt việc “rút điện thoại”, “cưa đôi”
Vẫn theo ông Lê Văn Khoa, TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đến an toàn giao thông. Giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông là một trong 7 chương trình đột phá được đề ra tại Đại hội Đảng bộ thành phố.
“Thành phố có trên 10 triệu dân, lượng xe đăng ký là hơn 7,8 triệu xe, chưa kể khoảng 2 triệu xe của người dân các tỉnh bạn đang lưu thông trên địa bàn thành phố. Hạ tầng giao thông thành phố hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và không bảo đảm an toàn giao thông”, ông Khoa cho biết.
Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, thành phố đã thống kê 37 tuyến đường có khả năng ùn tắc giao thông cao và phân công lực lượng, con người cụ thể để 6 tháng đầu năm 2017 kiên quyết giảm ùn tắc giao thông tại 37 tuyến đường này.
Thành phố cũng sẽ hoàn thành 34 công trình hạ tầng giao thông trong năm 2017, kết hợp với di chuyển một số bến xe trong nội thành ra ngoài.
Tại Tây Ninh, một địa phương đạt nhiều thành tích trong việc kéo giảm số vụ TNGT và số người chết so với năm trước, vị đại diện tỉnh này cho biết nguyên nhân chính là do tinh thần trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng được nâng cao.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không phân biệt xe biển xanh hay biển trắng. Mấy hôm nay báo chí cứ tranh luận rằng biển trắng biển xanh, tôi cho rằng màu của tấm biển không quan trọng, chỉ là để quản lý mà thôi, quan trọng là trong xử lý không phân biệt” - vị này nói.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cũng cho biết sở dĩ địa phương này đạt thành tích tốt trong bảo đảm an toàn giao thông năm qua là do thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Chúng tôi nghiêm cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia vào buổi trưa, đồng thời vận động nhân dân thực hiện. Chúng tôi thành lập các đội đặc nhiệm (7 năm nay), hoạt động rất tốt, tổ chức ở các huyện thị, thời điểm từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng, vừa phòng chống tội phạm vừa bảo đảm an toàn giao thông.
Trong năm 2016 tỉnh xử phạt vi phạm giao thông 125 tỷ đồng, chấm dứt tình trạng vi phạm xong móc điện thoại a lô”, ông Thạnh nói.
Tính mạng con người là trên hết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đặt ra mục tiêu năm 2017: Giảm TNGT từ 5-10% cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương) so với năm 2016; tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Chủ đề năm an toàn giao thông năm 2017: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”. |
Theo Tuổi trẻ