Phải bảo vệ và ủng hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh

25/04/2016 09:41

Đây là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sáng 25-4.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải bảo vệ và ủng hộ kinh doanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Các bộ, ngành không thể vì quyền hạn của mình mà làm trái,
làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ hai luật nêu trên là bước tiến bộ lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhân dân rất ủng hộ và mong chờ.

Chính vì vậy, cuộc họp hôm nay nhằm tập trung xử lý những vấn đề bất cập liên quan đến việc triển hai hai đạo luật này, với tinh thần là ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, giảm bớt thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là những việc rất quan trọng.

“Sáng nay các tờ báo lớn cũng nêu tinh thần này. Chúng ta một mặt phải giữ kỷ cương phép nước, nhưng mặt khác cần xóa bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các bộ, ngành không thể vì quyền hạn của mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết những đổi mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cùng với việc nâng cấp hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đưa vào hoạt động hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và việc thực thi nghiêm túc hai luật ở địa phương đã bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.

Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2,9 ngày đối với đăng ký mới thành lập, 2,7 ngày đối với đăng ký thay đổi, nhờ đó giảm hơn nửa triệu ngày chờ đợi cho doanh nghiệp…

Theo Bộ trưởng Dũng, tuy đạt được những kết quả nêu trên, thực tế cho thấy còn không ít vấn đề và vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Trong đó, vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến thực thi Luật Doanh nghiệp không nhiều, tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan.

Đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc.

Cụ thể như việc soạn thảo các nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế các thông tư, quyết định của các bộ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 là chậm; và có thể đến ngày 1-7 tới đây, phần lớn các nghị định cần thiết vẫn chưa ban hành, hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực.

Chưa ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15 trong 16 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…

Cuộc họp diễn ra trong ngày 25-4, lãnh đạo các bộ ngành phát biểu, sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ kết luận phiên họp.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải bảo vệ và ủng hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh