Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về việc đưa học sinh đi học trở lại diễn ra ngày 22.2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp
“Đã bước vào trường học phải đảm bảo môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước; huy động nhà trường phụ huynh, học sinh cùng chung tay, tham gia vào các giải pháp cụ thể, thực tế; đảm bảo vệ sinh trường học, phụ huynh yên tâm khi con em đến trường”. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, trong cuộc họp bàn về việc đưa học sinh đi học trở lại, tại trụ sở Chính phủ, ngày 22.2.
Đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND TP Hà Nội; UBND TP Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành, địa phương, một số trường học trên địa bàn Hà Nội tham dự cuộc họp.
Trường học, lớp học đảm bảo an toàn
Liên quan đến lý do TP Hồ Chí Minh đề xuất cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3.2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh quán triệt nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư; các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ; của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCOV) gây ra.
Theo đó, với đặc thù của trung tâm đô thị lớn, nhiều hoạt động giao lưu quốc tế nhưng TP Hồ Chí Minh không có người phát bệnh. Theo đề nghị của các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn của Bộ GDĐT, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020.
“Vừa qua, căn cứ vào diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, chúng tôi tính đến phương án chống dịch xấu nhất để phương án đó không xảy ra. Nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ học từng tuần một rất bị động và bất tiện, cần tính toán phương án chủ động cho các địa phương trên toàn quốc. Do đó, chúng tôi đề xuất phương án cho học sinh cả nước nghỉ học đến hết tháng 3/2020”, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết.
Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, riêng đối với các trường học, TP Hồ Chí Minh thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT, Bộ Y tế về vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế… đảm bảo môi trường an toàn; tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cho cán bộ công nhân viên, tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh.
“Nếu TP Hồ Chí Minh cho học sinh đi học thì môi trường trong trường học an toàn hơn các môi trường chỗ khác, an toàn hơn trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh. Do đó, đã đi học thì không phải đeo khẩu trang” - Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đảm bảo môi trường trong trường học an toàn khi học sinh quay trở lại trường học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đề xuất ngày 2.3.2020, học sinh sẽ đi học trở lại. Trước tình hình dịch Covid-19, trong thời gian qua, lãnh đạo và nhân dân TP Hà Nội thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, TP Hà Nội đã thực hiện 4 lần vệ sinh, tiêu độc khử trùng trường học, đến khi học sinh đi học sẽ phun lần thứ 5; đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên cách ứng xử, kỹ năng phát hiện, xử lý khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ; không tổ chức chào cờ tập trung toàn trường, thực hiện chào cờ trong lớp học; giảm bớt các hoạt động tập thể tập trung đông người... để bảo đảm an toàn cho học sinh.
“Chúng tôi chuẩn bị môi trường trường học, lớp học an toàn hơn các cơ quan nhà nước, hơn trụ sở UBND TP Hà Nội, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường học”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “phải an toàn về chuyên môn và an tâm về tâm lý”, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước tình hình dịch bệnh, các em học sinh, đặc biệt các cấp học mầm non, tiểu học, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân tại trường, lớp, gia đình và cộng đồng. Do đó, việc các địa phương chủ động điều chỉnh, cho học sinh nghỉ học một thời gian là quyết định cần thiết.
“Thời gian qua, Bộ GDĐT phối hợp với ngành Y tế tập trung hướng dẫn, tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón học sinh quay trở lại trường học. Cùng với những tín hiệu tích cực trong công tác chống dịch, nhận thức về công tác phòng chống dịch bệnh của phụ huynh, học sinh, giáo viên có sự chuyển biến tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Do đó, Bộ GDĐT đã bàn kỹ và đang xây dựng quyết định chuẩn bị trình Bộ trưởng Bộ GDĐT ký quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học và thời gian thi trung học phổ thông quốc gia một tháng, theo đúng thẩm quyền của Bộ. Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh cả nước nghỉ 4 tuần (tính đến hết ngày 29.2.2020) nên thời gian kết thúc năm học dự kiến vào ngày 30.6.2020 và thời gian thi trung học phổ thông quốc gia dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 26.7.2020.
Học sinh một số quốc gia có dịch đi học bình thường
Thông tin về tình hình học sinh đi học tại các nước trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, hiện nay, một số nước thực hiện các biện pháp nhằm tránh tụ tập đông người, đảm bảo sức khỏe học sinh. Điển hình, Đài Loan (Trung Quốc) lùi ngày khai giảng học kỳ 2 hai tuần đến ngày 25.2; người lao động có con dưới 12 tuổi có thể xin nghỉ không lương chăm sóc con; Hồng Kông (Trung Quốc) kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của các trường tới ngày 1.3. Hàn Quốc tổ chức đi học nhưng cho phép rút ngắn 10% số ngày học theo quy định, tùy theo tình hình thực tế; đồng thời khuyến khích học trực tuyến; học sinh nước ngoài ở nhà 14 ngày trước khi đến trường.
Trong khi đó, Mông Cổ yêu cầu đóng cửa tất cả các trường đại học, cơ sở đào tạo trường mầm non từ 27.1 - 2.3. Một số trường tư của Viêng Chăn (Lào) gần biên giới Trung Quốc cho học sinh nghỉ học, các trường còn lại tổ chức cho học sinh đi học bình thường.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, một số nước cho học sinh đi học bình thường như Malaysia, Nhật Bản, Singapore…đã tăng cường các biện pháp y tế trong trường học, khuyến cáo học sinh không đeo khẩu trang khi đến lớp. Theo đó, Malaysia kiểm tra thân nhiệt khi học sinh đi học trở lại; đối với học sinh đi du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ được nghỉ học 14 ngày theo dõi y tế và cần có giấy xác nhận sức khỏe trước khi đi học trở lại. Nhật Bản khuyến khích các trường, lớp làm vệ sinh hàng ngày.
Tương tự, Singapore tăng cường các biện pháp phòng dịch như diệt khuẩn hàng ngày tại các khu vui chơi, phòng học; bỏ các tiết học cần giao tiếp nhiều, tập trung đông người; trong các phòng sinh hoạt chung mở cửa thông thoáng; khách đến được kiểm tra y tế; học sinh về từ Trung Quốc phải cách ly 14 ngày…
Sớm quyết định điều chỉnh thời gian năm học
Dự kiến Kỳ thi THPT quốc gia sẽ lùi đến cuối tháng 7. Ảnh: TTXVN
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, công an, bộ đội biên phòng mà còn là nhiệm vụ của hệ thống chính trị và nhân dân; vấn đề không của một đất nước mà có tính chất toàn cầu. Thực hiện chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc kiểm soát người có nguy cơ lây nhiễm đến phát hiện, cách ly, điều trị.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cho toàn xã hội về dịch bệnh để mọi người dân biết cách bảo vệ sức khỏe, chung tay phòng, chống dịch trên tinh thần “thận trọng nhưng không quá lo sợ”. Với diễn biến tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt các chỉ đạo, không chủ quan, không lơi lỏng trong phòng, chống dịch.
Để đảm bảo chương trình năm học, Phó Thủ tướng yêu cầu, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, Bộ GDĐT (đối với hệ thống giáo dục đào tạo), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp) sớm đưa ra quyết định chính thức về việc điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, qua đó làm căn cứ cho các địa phương thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
“Trong trường hợp Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không đưa ra quyết định điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định để thực hiện thống nhất trên cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ.
Nhấn mạnh trách nhiệm theo dõi, nắm sát tình hình sức khỏe học sinh của phụ huynh và nhà trường khi học sinh quay trở lại trường học, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh qua các ứng dụng công nghệ thông tin như sổ liên lạc điện tử, diễn đàn giáo dục…
Phó Thủ tướng lưu ý: “Đã bước vào trường học phải đảm bảo môi trường an toàn hơn trụ sở cơ quan nhà nước; huy động nhà trường, phụ huynh, học sinh cùng chung tay, tham gia vào các giải pháp cụ thể, thực tế; đảm bảo vệ sinh trường học, phụ huynh yên tâm khi con em đến trường”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về dịch bệnh; thực hiện nghiêm công tác phát hiện, cách ly người nhiễm Covid-19; tập trung điều trị theo mô hình phân tán; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành nhằm hỗ trợ y tế tuyến huyện; bảo đảm tất cả trường hợp nhiễm Covid-19 đều được chữa khỏi theo tinh thần “không chủ quan, không hoảng sợ”.
Theo TTXVN