Những khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc đang siết chặt nguồn tài chính của Pakistan khi các khoản thanh toán dự kiến tăng lên 14 tỉ USD vào cuối năm tài chính này.
Gần một nửa trong số 14 tỉ USD nói trên là nợ các ngân hàng thương mại Trung Quốc, phần lớn là cho các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Theo trang Asia Times, giới quan sát cho rằng Islamabad cần yêu cầu các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc giãn nợ để giảm bớt áp lực lên Ngân hàng Nhà nước Pakistan - nơi có dự trữ ngoại hối giảm xuống còn 17 tỷ USD trong tháng 10 - và tránh vỡ nợ.
Các dấu hiệu cảnh báo đã rõ ràng từ nhiều tháng nay. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo rằng chính sách trượt giá và các khoản nợ tiềm tàng gia tăng đang làm suy yếu tính bền vững nợ công của Pakistan.
Vào tháng 5, hãng Fitch Ratings cho biết xếp hạng “B-” của họ đối với Pakistan phản ánh tình hình tài chính công yếu kém, lỗ hổng tài chính và chỉ số quản trị thấp.
Báo cáo Nợ năm 2021 của Ngân hàng Thế giới, trong đó phân tích các khoản nợ của các nước Nam Á, cho thấy Pakistan tụt hậu so với Ấn Độ và Bangladesh và chỉ tương đương với Sri Lanka, quốc gia chìm trong nợ nần. Báo cáo cho biết thêm, trong số các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP vượt quá 80%, Pakistan là quốc gia cao thứ hai sau Sri Lanka về tỷ lệ lãi trên doanh thu.
Sự tương đồng giữa hồ sơ nợ của Sri Lanka và Pakistan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một số người đã so sánh với thỏa thuận cho thuê cảng Gwadar của Pakistan với Trung Quốc và thỏa thuận cho thuê cảng Sri Lanka năm 2017 với công ty nhà nước Trung Quốc 99 năm để trả nợ.
Liệu Pakistan có nguy cơ vỡ nợ?
Ông Farrukh Saleem, nhà khoa học chính trị, nhà kinh tế và phân tích tài chính người Pakistan, nói với Asia Times rằng Pakistan chưa bao giờ rơi vào tình trạng vỡ nợ đối với các khoản nợ quốc tế.
Ông Saleem giải thích: “Tổ chức cho vay hợp pháp có quyền tuyên bố bên vay là người vỡ nợ. Thông thường, họ không tuyên bố một quốc gia có chủ quyền là người phá sản vì làm như vậy họ có nguy cơ mất tiền. Thay vì mất khả năng thanh toán, họ luôn muốn thương lượng lại các điều khoản cho vay để dời lại hoặc cơ cấu lại các khoản vay trong một thời gian dài.”
Dự trữ của chính phủ Pakistan đang bị căng thẳng khi phải trả khoản vay đa phương trị giá 2,6 tỷ USD, khoản vay của chính phủ và các ngân hàng thương mại Trung Quốc là 9,1 tỷ USD, thương vụ mua lại Eurobond / Sukuk là 1 tỷ USD và 1 tỷ USD vay của IMF, những khoản này sẽ đến hạn vào cuối tháng 6.2022.
Pakistan cũng nợ Câu lạc bộ Paris 11,3 tỷ USD, các nhà tài trợ đa phương 33,1 tỷ USD và các trái phiếu quốc tế như Eurobond và Sukuk 12 tỷ USD.
Ngoài ra, Pakistan còn nhận khoản tiền gửi an toàn trị giá 3 tỷ USD mỗi nước từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Trung Quốc. Một khoản tiền gửi trị giá 3 tỷ USD khác đến từ Saudi Arabia.
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Pakistan đã thông báo với Thượng viện rằng trong 3 năm qua, các khoản nợ của Pakistan đã tăng 16 nghìn tỷ rupi (91 tỷ USD). Dữ liệu do các Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch công bố cho thấy tổng số nợ của quốc gia này vào tháng 6.2018 là 25 nghìn tỷ rupi (142 tỷ USD), tăng lên 41 nghìn tỷ rupi (233 tỷ USD) vào tháng 8.2021.
Các khoản nợ nước ngoài tăng từ 8,5 nghìn tỷ rupi (48,3 tỷ USD) lên 14,5 nghìn tỷ rupi (83 tỷ USD) trong cùng thời kỳ. Chính phủ đã phải trả 7,46 nghìn tỷ rupi (42,4 tỷ USD) tiền lãi.
Dự trữ ngoại tệ thu hẹp
Hoảng sợ trước tình hình trên, Islamabad đã tìm hiểu các kênh ngân hàng để vực dậy kho dự trữ đang thu nhỏ và vị thế cán cân thanh toán xấu đi. Chính phủ đã huy động được 5 tỷ USD từ trái phiếu Euro và Sukuk trong năm tài chính hiện tại và thuyết phục chính phủ Saudi Arabia cam kết bơm tiền mặt và dầu trị giá 4,5 tỷ USD cho thanh toán chậm.
Tuy nhiên, những biện pháp này không thể giảm bớt áp lực lên danh mục tài khoản vãng lai của Pakistan cũng như không thể ngăn chặn đà giảm giá tiền tệ khi đồng rupee giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với USD.
Tài khoản vãng lai của Pakistan đã ghi nhận mức thâm hụt 3,4 tỷ USD trong quý 3 từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.
Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan giảm tốc
Vấn đề nợ nần của Pakistan cũng được phản ánh trong tốc độ của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), khi Bắc Kinh trì hoãn đầu tư thêm do những khó khăn mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề tài chính với Islamabad.
Công ty bảo hiểm nhà nước Trung Quốc Sinosure đã dừng các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng của CPEC trị giá 13 tỷ USD do Pakistan không thanh toán phí công suất.
Sự do dự của Sinosure trong việc bảo lãnh các dự án CPEC đã làm trì hoãn tuyến đường sắt dài 1.733 km nối cảng biển của Pakistan với các vùng phía tây bắc của đất nước và nhiều dự án liên quan đến năng lượng lẽ ra phải được bắt đầu phát điện từ cuối tháng 6 năm nay.
Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về CPEC Khalid Mansoor nói với các nhà báo hôm 30.11 rằng Đại sứ Trung Quốc tại Islamabad đã được thông báo tóm tắt về vấn đề Sinosure. Ông cho biết chính phủ đã liên hệ với các nhà chức trách Trung Quốc để nhờ họ can thiệp.
Ông Mansoor hy vọng rằng các dự án quan trọng về mặt chiến lược như tuyến đường sắt ML-1 và sáu dự án năng lượng bao gồm Gwadar, Karrot, Kohala và Azad Pattan, Thar và Thal-Nova sẽ được ưu tiên.
Theo báo Tin tức