Ông vẫn sống bình dị như thế...

26/09/2022 11:43

Đã vào tuổi 70, ông Nguyễn Văn Khiêm ở khu dân cư Kỹ Sơn, phường Tân Dân (Chí Linh) từng là chiến sĩ đặc công vào sinh ra tử trong chiến tranh.


Ông Khiêm hiến đất cho con đường mở rộng 

Nhắc đến ông, dân làng và các hội viên cựu chiến binh ai ai cũng cảm kích, một người nông dân hiền lành chất phác, việc gì cũng gương mẫu. Còn ông thì cam chịu và cứ bình lặng sống.

Bộc bạch của một tấm lòng  

Ngày 16.3.2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Báo chí đưa tin, nhân dân cả tỉnh đều phấn khởi. Người dân ở khu dân cư Kỹ Sơn lại được phen mạn đàm sôi nổi. Rồi họ quay về kể chuyện quê mình…

Khu dân cư Kỹ Sơn vốn là một làng quê thuần nông, đất chật người đông, ao hồ san sát. Mùa mưa lũ, ruộng đồng ngập lụt, đường giao thông đi lại rất khó khăn, bị cắt xé vụn ra từng mảnh. Những năm gần đây lại có mấy nhà máy sản xuất hóa chất dựng lên chềnh ềnh ngay đầu làng, quỹ đất càng khan hiếm. 

Rồi luồng gió trong phong trào xây dựng nông thôn mới thổi về. Rồi xã lên phường, làng thành khu dân cư. Rồi 19 tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu được phổ biến trong toàn dân, đã tác động làm thay đổi ý thức con người và bộ mặt làng quê. Nhưng câu chuyện hiến đất mở đường gay cấn nhất. Lúc đầu một số gia đình nằm trong diện hiến đất còn chần chừ, đắn đo, so kè tính toán hơn thiệt… Bấy giờ trong khu dân cư có ông Khiêm, một cựu chiến binh mấy chục năm qua sống lặng lẽ, chẳng mấy ai để ý, bỗng dưng nổi lên được dư luận xóm làng bàn tán. 

Ông Khiêm tự mình phá bung tường bao, lùi sâu trong sân ước tính hàng trăm m2 đất nhường cho kế hoạch mở đường to rộng thênh thang. Người con cả thấy bố hiến nhiều đất quá, tỏ thái độ không đồng ý: “Cả nhà ta đi bộ đội cống hiến hy sinh thế chưa đủ sao hả bố? Ông nội là chiến sĩ quân báo chống Pháp, chị gái bố thì mài mòn tuổi xuân trên các cung đường bom cày, đạn xới trong những năm chống Mỹ. Khi về không lương, không phụ cấp, đến nay vẫn một đèn, một bóng. Em trai của bố đi bộ đội, là liệt sĩ mãi mãi không về! Bố không là cán bộ, đảng viên, có ai bắt bố gương mẫu đâu?”.

Những lời con nói đúng, tuy khía vào tim ông, nhưng ông Khiêm lại nghĩ khác: Để có cuộc sống hôm nay đã có bao người hy sinh, cống hiến…? Khu Kỹ Sơn nhỏ bé này, thời chống Pháp, bị giặc bắn đại bác có mấy chục người chết và bị thương. Cụ San - Bà mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và 3 con trai liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ… Hy sinh to lớn lắm. Bây giờ mình có ít đất vườn hiến cho làng mở đường góp phần xây dựng nông thôn mới, sánh gì?

Chuyện ông Khiêm hiến đất đã loang ra cả phường rồi bay ra khắp vùng. Sáng hôm sau, những nhà ven đường đua nhau đến nhà ông trưởng khu xin hiến đất vô điều kiện! Rồi đợt 2, mọi người còn xin hiến thêm đất, đóng thêm tiền để hoàn thành con đường mới trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XV.

Huy chương Chiến sĩ giải phóng của ông Khiêm 

Số phận éo le  

Nghe chuyện ông Khiêm có lòng hào hiệp như thế, người ngoài cứ nghĩ nhà ông khá giả, ai biết đâu ông có số phận éo le…  

Từ năm 1970 khi 17 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Văn Khiêm đi bộ đội, rồi vào Nam chiến đấu trong Tiểu đoàn đặc công D403 (Quân khu 5). Trong một trận đánh anh bị thương, khi tỉnh lại thấy mình được nằm trong bệnh viện dã chiến. Sức khỏe hồi phục, anh tìm về đơn vị, lại xông pha trận mạc, lại bị thương và được đưa ra Bắc. Năm 1974, anh phục viên khi mới 21 tuổi. 

Ngày mới về làng, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Mẹ đã mất. Chị gái đi thanh niên xung phong chưa về, bố anh đã già vẫn tham gia công tác địa phương, làm bí thư chi bộ, 2 em trai tuổi còn đi học. Là lao động chính trong nhà, anh Khiêm làm việc hăng say không quản ngày đêm, năm nào cũng có số công điểm cao nhất HTX. Anh tranh thủ làm thêm hàng xáo, chạy chợ, dịch vụ vật tư nông nghiệp, cuộc sống gia đình tạm ổn định…

Thấm thoát thời gian trôi qua, từ khi về phục viên, không lương hưu, không một loại tiền trợ cấp, người cựu binh cứ âm thầm sống. Anh Khiêm xốc vác cấy cày, lấy vợ sinh con, tảo tần khuya sớm, rồi tiếp đến là những ngày toan lo dựng vợ, gả chồng cho các con, bây giờ nuôi dạy cháu, thoáng chốc người xóm làng gọi bằng “ông Khiêm đặc công”. 

Ông Khiêm hiền lành, chất phác, ngại va chạm, không một lời ca thán! Từ chiến trường trở về, trên mình ông còn găm nhiều mảnh đạn, thỉnh thoảng lại gắp ra một mảnh. Hồi ấy, một trái đạn pháo địch nổ đã làm vỡ xương, đứt động mạch để lại vết sẹo lớn trên cánh tay trái, đến giờ tay ông vẫn cứ thõng lỏng xuống, hằng đêm đau nhức mất ngủ. Ông âm thầm chịu đựng, không kêu ca.

Có người hỏi, thành tích như thế, sao không có huân, huy chương chiến công, sao không có thẻ thương binh? Ông bảo: Trận đánh cứ điểm Tam Quan, tiểu đoàn trưởng và tiểu đội trưởng hy sinh, đại đội trưởng và nhiều chiến sĩ bị thương nặng, còn mình cũng bị ngất lịm, rồi được du kích địa phương đưa đi nằm viện hàng tháng, không đi báo công, có ai biết đâu mà khen thưởng. Ngày tháng cứ trôi qua, cảnh túng thiếu cái khó bó cái khôn, bước chân đi là tiền…

Nhắc đến ông Khiêm, từ quần chúng đến đảng viên trong chi bộ, các hội viên cựu chiến binh đều cảm kích và tiếc nuối cho ông. Một người hiền lành chất phác, việc gì cũng gương mẫu, nhưng số phận cam chịu thiệt thòi. Có người bảo: Việc hiến đất của ông Khiêm giống như những viên gạch nhỏ đã góp vào xây dựng bức tượng đài: Hải Dương được Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

VŨ HỘI - THIÊN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông vẫn sống bình dị như thế...