Từ khi làm Trưởng thôn, bằng uy tín cá nhân, sự khôn khéo, linh hoạt, ông Trần Văn Tuân đã vận động nhân dân đồng thuận, tháo gỡ nhiều việc khó ở địa phương.
Ông Tuân thường xuyên trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân trong thôn
Từ vướng mắc trong đời sống tâm linh đến việc dồn ô, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới... trong thôn đều được giải quyết ổn thỏa.
Gần 5 năm làm Trưởng thôn Kim Trang Đông, xã Lam Sơn (Thanh Miện), ông Trần Văn Tuân luôn không quản khó khăn, vất vả, hết mình vì công việc chung.
Giải tỏa "điểm nóng"
Sau vài lần hẹn, tôi mới gặp được ông Tuân. Phần vì ông khá bận rộn, phần vì ông ngại nói về mình. "Mỗi ngày ông ấy không ra đồng một lần là không chịu được. Từ ngày làm Trưởng thôn ông ấy còn bận hơn cả khi đi làm thợ xây", bà Đỗ Thị Nhặn, vợ ông Tuân nói với tôi trong lúc chờ ông về. Ông Tuân dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn. Nước da cháy nắng càng toát lên nét tần tảo, khắc khổ của ông. "Sáng sớm nay tôi phải ra dọn bể bơi của thôn. Sau đó đưa bọn trẻ trong thôn đi đá bóng giải của xã anh à", ông Tuân giải thích lý do để tôi phải chờ.
Xuất ngũ năm 1983, ông Tuân xoay xở đủ nghề để lo cho gia đình. Suốt mấy chục năm làm thợ xây rồi cai thầu, ông đi làm ở khắp các nơi trong tỉnh. Đến năm 2012, khi kinh tế gia đình dần ổn định, con cái cũng đều trưởng thành, ông Tuân nghỉ làm xây dựng, về nhà giúp vợ cày cấy mấy sào ruộng.
Thời điểm đó, việc tranh chấp thờ cúng 2 pho tượng cổ giữa thôn Kim Trang Đông và Kim Trang Tây trở thành "điểm nóng" ở địa phương. Người dân thôn Kim Trang Đông muốn khôi phục lễ rước giao lưu vốn bị gián đoạn vì chiến tranh, loạn lạc. Theo phong tục địa phương, 3 năm một lần, người dân sẽ rước 2 pho tượng từ đình thôn này sang đình thôn kia thờ và ngược lại. Thế nhưng người dân thôn Kim Trang Tây lại không muốn di chuyển tượng sang đình thôn Kim Trang Đông. Cách tuyên truyền, thuyết phục của cán bộ thôn, xã khi đó cũng không thoả đáng khiến tình trạng khiếu kiện vượt cấp, mâu thuẫn, mất đoàn kết ngày càng phức tạp. Không tìm được tiếng nói chung, vụ việc kéo dài hàng chục năm. Mọi phong trào, công việc chung của thôn Kim Trang Đông đều bị ảnh hưởng, trì trệ.
Vốn chịu thương, chịu khó lại năng nổ, nhiệt tình với mọi công việc chung nên ông Tuân được người dân trong thôn quý mến. Một số người gợi ý ông ứng cử làm trưởng thôn để gánh vác việc làng. Do dự vì chưa từng tham gia công tác ở địa phương nhưng thâm tâm ông Tuân cũng muốn góp sức cho quê hương. "Tôi nhớ hạn nộp đơn ứng cử trưởng thôn hôm đó là 5 giờ chiều thì 3 giờ chiều tôi làm đơn, mang đi nộp. Khi đó tình hình ở thôn vốn phức tạp, tôi lại không phải đảng viên, không công tác nên cũng có nhiều người không tin tưởng, ủng hộ. Cuộc bầu cử trưởng thôn mà căng thẳng, gay cấn không kém các cuộc bầu cử quan trọng khác", ông Tuân vừa cười, vừa kể lại.
Được người dân trong thôn tín nhiệm cao, trong cuộc bầu cử tháng 9.2014, ông Tuân đã trúng cử Trưởng thôn Kim Trang Đông. Tại buổi họp ra mắt, ông Tuân công bố trước người dân những công việc sẽ làm trong nhiệm kỳ, trong đó có việc giải tỏa nút thắt, điểm nghẽn âm ỉ từ lâu tại địa phương. "Hôm đó, tôi lập luận và đưa ra câu hỏi trước hội trường rằng: Trong 11 dòng họ ở làng thì có mấy dòng họ có tượng thờ, có bài vị? Vì sao không có tượng, không có bài vị mà chúng ta vẫn thờ cúng, ghi nhớ công ơn tổ tiên từ đời này qua đời khác? Và việc tâm linh cốt ở trong tâm chứ không phải ở pho tượng hay bài vị. Sau đó tôi đề nghị mọi người phải gác lại quá khứ, tập trung phát triển quê hương", ông Tuân nhớ lại.
Từ khi ông Tuân làm Trưởng thôn, câu chuyện nan giải, kéo dài ở thôn dần lắng xuống. Các phong trào, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới vốn "giậm chân tại chỗ" từng bước chuyển động tích cực.
Diện mạo mới
Bể bơi công cộng ở thôn Kim Trang Đông không thu phí với mọi người trong thôn
Ở ngay đầu thôn Kim Trang Đông, người nơi khác đến đây không khỏi ấn tượng với công trình bể bơi khá quy mô, bài bản. Đây là thôn đầu tiên của huyện Thanh Miện xây dựng được bể bơi công cộng từ nguồn xã hội hóa. Vào những ngày nắng nóng có tới hàng trăm người đến đây để vui chơi, tập luyện. Gần một năm nay, từ khi công trình khánh thành, ông Tuân vừa làm quản lý, vận hành, bảo vệ kiêm lao công ở đây mà không nhận bất kỳ khoản thù lao nào. Bể bơi chỉ thu phí đối với người ở nơi khác. Còn tất cả mọi người trong thôn và cả con cháu ở xa quê về đến đây bơi đều được miễn phí. "Nhiều người cũng bảo thu phí nhưng tôi không đồng ý. Vì nếu thu phí thì các cháu có hoàn cảnh khó khăn sẽ không được hưởng lợi từ công trình. Tôi vất vả chút mà thấy các cháu được vui chơi an toàn là vui rồi", ông Tuân chia sẻ.
Tranh thủ sự ủng hộ, tín nhiệm của người dân, từ khi làm Trưởng thôn, ông Tuân đã bắt tay vào làm những việc được cho là khó ở địa phương. Nhiều công việc cụ thể đã có những bước tiến đột phá. Chỉ trong vài năm, những con đường bê tông khang trang, đạt chuẩn nông thôn mới, những thửa ruộng diện tích lớn dần hình thành. Vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm xây dựng nên những công trình, phần việc ở thôn đều được ông chỉ đạo, thực hiện bài bản, cụ thể. Trong thời gian ông Tuân làm Trưởng thôn, người dân phải đóng góp, ủng hộ nhiều nhưng mọi người đều đồng thuận cao vì những lợi ích rõ ràng của các chủ trương, công trình mang lại.
Ở Kim Trang Đông, đa số người dân đều trồng rau màu nên đồng đất hiếm khi được nghỉ ngơi. Việc dồn ô, đổi thửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc canh tác, thu hoạch. Phức tạp hơn, đó là khoảng 10 ha ruộng ở thôn này lại xen canh với ruộng của thôn Kim Trang Tây. Chất đất xấu, tốt khác nhau nên để hoán đổi vị trí, người dân thôn Kim Trang Đông phải đổi thêm diện tích ruộng cho người dân thôn Kim Trang Tây. Để tháo gỡ vướng mắc, ông Tuân vận động, thuyết phục người dân phải hy sinh lợi ích trước mắt để có lợi ích lâu dài, bền vững. Ông cũng cam kết với người dân sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thực hiện dồn ô, đổi thửa. Họp lên, họp xuống, cuối cùng người dân cũng đồng thuận thực hiện chủ trương chung. Năm đó, để làm nhanh, thôn chủ trương thực hiện đến nhà nào thì nhà ấy tự giác thu hoạch. Không chờ làm xong mà vừa đo đạc lại ruộng, vừa đổ ải để chuẩn bị cho vụ mới. Thời điểm đó, tại thôn có gần 50 máy lồng nhỏ. Khi thôn thuê máy lồng to về làm, một số người thắc mắc việc chậm được nhận ruộng khiến họ có máy mà không làm được lại phải thuê. "Tôi đồng ý cho các hộ nhận diện tích để làm rồi trừ đi khoản tiền đóng góp thuê máy lồng. Nhưng với điều kiện ai làm cũng chỉ được trả công bằng với giá thuê máy lồng to. Vì giá thuê máy lồng to thấp hơn nhiều nên không ai nhận làm. Chỉ một việc cụ thể như vậy nhưng ai cũng hiểu rõ lợi ích của dồn ô, đổi thửa. Sau đó, không hộ nào thắc mắc mà đều đồng thuận thực hiện chủ trương", ông Tuân chia sẻ.
Đầu năm 2015, thôn Kim Trang Đông hoàn thành dồn ô, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Từ việc mỗi hộ có nhiều, thậm chí hàng chục mảnh ruộng, nay mỗi nhà ở đây chỉ có từ 1-2 thửa ruộng. Sau khi hoàn thành dồn ô, đổi thửa, năm 2016 thôn cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh được đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt theo công nghệ của Israel. Nhờ áp dụng cơ giới hóa, chuyển đổi cây trồng mà giá trị mỗi sào ruộng ở đây đem lại lớn hơn gấp 7-8 lần so với trước kia. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt.
Những nỗ lực, sự nhiệt thành và công sức của ông Tuân với công việc chung được lãnh đạo huyện Thanh Miện, xã Lam Sơn và nhất là người dân thôn Kim Trang Đông ghi nhận, đánh giá cao. Tháng 6 vừa qua, ở tuổi 57, ông Tuân chính thức vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ khi là quần chúng, ông Tuân đã mang những phẩm chất của người đảng viên. "Những năm qua, đồng chí Tuân đã tập hợp được sự đoàn kết của cán bộ, nhân dân, vực dậy nhiều phong trào ở thôn. Hiện nay, Kim Trang Đông là thôn có kinh tế phát triển khá nhất xã. Những thành tựu mà thôn và phong trào ở địa phương đạt được có dấu ấn, đóng góp không nhỏ của cá nhân đồng chí Tuân", ông Trương Mậu Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn nhận xét.
HẠO NHIÊN